Dành cả cuộc đời sưu tầm hiện vật chiến tranh tri ân đồng đội

22/08/2019 10:50 AM

(Chinhphu.vn) – Là thương binh hạng 1/4, cựu tù binh Phú Quốc, sau chiến tranh, ông Lâm Văn Bảng đã dành cả quãng đời còn lại để sưu tầm hơn 4 nghìn hiện vật chiến tranh để tri ân đồng đội. Ông là một trong số các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vừa mới được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Lâm Văn Bảng. Ảnh: Minh Anh

Sinh ra trong gia đình có 5 anh em ở huyện Phú Xuyên (Hà Nội), nhập ngũ năm 1965, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, người chiến sỹ Lâm Văn Bảng bị địch bắt và giam cầm ở nhà lao Biên Hòa rồi đày ra Phú Quốc. Năm 1973, ông cùng nhiều đồng đội được trao trả theo Hiệp định Paris.

Trong thời gian bị tù đày, bản thân từng trải qua và chứng kiến rất nhiều hình thức tra tấn dã man như thời trung cổ của kẻ địch đối với các chiến sĩ của ta, những hình ảnh đồng đội bị địch tra tấn, cắt da, xẻo thịt, đóng đinh vào thân thể, đổ nước xà phòng đun sôi vào miệng, chôn sống,... luôn luôn hiện hữu trong tâm trí ông đến ngày nay.

Năm 1974, ông Lâm Văn Bảng phục viên, chuyển ngành công tác, đến tháng 11/2003 thì nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, ông và người đồng đội là cựu chiến binh Chu Hữu Ngọc, đã cùng nhau đi tìm đồng đội.

“Đó là một chuyến đi đặc biệt. Khi đến một số nghĩa trang lớn như Trảng Bàng, Dương Minh Châu, chúng tôi quyết định lấy đất, chân hương ở tất cả các nghĩa trang lớn trên toàn quốc về để sớm hôm phụng thờ hương khói anh em, đồng đội, bù đắp mất mát của những anh hùng liệt sĩ chưa tìm thấy người thân. Từ khi đó, chúng tôi đã quyết định thành lập Bảo tàng ngoài công lập”, ông Bảng kể lại.

Với những suy nghĩ, tình cảm từ đáy lòng, người cựu tù binh Phú Quốc năm xưa muốn tri ân những người đồng đội, là những Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở các chiến trường cũng như trong các nhà tù của địch ở thế kỷ 20. Ông Lâm Văn Bảng cũng bày tỏ mong muốn lưu giữ những tư liệu, hiện vật để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau thấy được sự hy sinh lớn lao của những chiến sĩ cách mạng, công lao to lớn của Đảng và Hồ Chủ tịch.

Ông Lâm Văn Bảng tiếp nhận hiện vật quý giá. Ảnh: Minh Anh

Trong quá trình bắt tay vào sưu tầm hiện vật và xây dựng Bảo tảng, ông Lâm Văn Bảng cũng gặp nhiều khó khăn từ việc có nhiều người nói ông đem "ma" về nhà, gia đình băn khoăn chưa hiểu hết ý nghĩa và mục đích những việc làm của ông. Nhưng bằng tấm lòng và sự quyết tâm ông đã thuyết phục để mọi người hiểu và ủng hộ việc làm của mình.

Người cựu chiến binh Lâm Văn Bảng đã chắt chiu từng đồng, bán cả đất và căn nhà mặt phố để dành phần lớn đầu tư cho Bảo tàng. Về sau, Thành phố đã hỗ trợ mỗi năm 250 triệu đồng, khoản hỗ trợ này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với ông, giúp ông sẽ tiếp tục xây dựng Bảo tàng.

Hiện nay, không chỉ duy trì việc trưng bày của Bảo tàng, ông Bảng và các đồng đội còn giúp thân nhân liệt sĩ tìm đồng đội đã mất, cùng nhau tìm lại đồng đội cũ còn sống, hỗ trợ những người đồng đội có cuộc sống khó khăn.

“Bảo tàng đi vào hoạt động, nhiều tổ chức, đoàn thể cũng biết, tìm đến và có nhiều câu chuyện làm chúng tôi cảm động lắm. Có những chị phụ nữ ở Bến Tre, Cần Thơ đã cùng nhau đi bán vé số, bán ve chai kiếm tiền ra Bảo tàng thắp hương cho đồng đội. Có những hôm đã rất khuya, vẫn có đoàn từ trong miền Nam ra xin vào thắp một nén hương. Hằng ngày, đón những đoàn khách đến tham quan, chúng tôi vô cùng xúc động...”, ông Bảng chia sẻ.

Đối với ông Bảng và đồng đội của mình, những hình đó ảnh đó chính là động lực để thúc đẩy ông cùng bạn bè tiếp tục công việc ý nghĩa này.

Ông Bảng cho rằng những việc ông và đồng đội đang thực hiện là làm theo lời dạy của Bác. Di chúc của Bác như kim chỉ nam dẫn đường cho mọi hoạt động của quần chúng nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nhiều thế lực thù địch muốn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

“Tâm nguyện của tôi là giáo dục truyền thống để giúp đỡ thế hệ trẻ hiểu được và giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó góp phần thực hiện tốt lời dạy của Bác, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh và làm cho người dân được ấm no hạnh phúc”, ông Bảng nói.

Ông cũng cho rằng học những điều trong Di chúc của Bác rất đơn giản bởi là những điều giản dị gắn với đời thường. Những lớp người đi trước như ông cần phải là tấm gương cho con cháu noi theo, để thế hệ sau hiểu được những giá trị của tự do và độc lập.

Chính vì vậy ông luôn nhắc nhở thế hệ sau nếu không hiểu được truyền thống của dân tộc mình, không thấy được nét đẹp văn hóa của dân tộc thì không thể giúp đất nước phát triển được. Do đó việc giáo dục truyền thống cách mạng, nét đẹp văn hóa của một dân tộc là vô cùng cần thiết.

Sau 50 năm, Di chúc của Bác vẫn còn nguyên giá trị. Bác đã nghĩ về vấn đề xây dựng Đảng, về việc lấy dân làm gốc, lo cho người dân ấm no hạnh phúc, xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Học và làm theo tấm gương của Bác, là một người chiến sĩ, đảng viên theo ông Bảng trước hết phải vì nhân dân phục vụ. Từ những việc làm cụ thể như tiếp tục xây dựng Bảo tàng ngày càng có giá trị hơn, giúp thế hệ mai sau hiểu được giá trị của độc lập, tự do, hiểu được sự hy sinh của những người chiến sỹ cách mạng...

Minh Anh

Top