Hà Nội tăng cường giám sát về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chú trọng đến xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thu hút, đào tạo và đãi ngộ nhân tài để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hà Nội chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thu hút, đào tạo và đãi ngộ nhân tài - Ảnh minh họa: VGP
Chú trọng đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách
Theo Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, thời gian qua Thành phố luôn đặc biệt quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực, coi đây là một trong những động lực then chốt để phát triển bền vững.
Hà Nội đã ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo, điều hành liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thành phố chú trọng đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách thiết thực nhằm thu hút, đào tạo và đãi ngộ nhân tài. Các văn bản chỉ đạo điều hành, quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu phát triển. Gần nhất, HĐND đã thông qua một số nghị quyết liên quan đến chế độ đãi ngộ với vận động viên đạt thành tích cao, học sinh đoạt giải quốc tế, với mức thưởng tương xứng nhằm khích lệ tinh thần nỗ lực, cống hiến.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2024, Thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật về phát triển, sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong công tác tuyển dụng, Hà Nội đã thực hiện theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, đảm bảo tính công khai, minh bạch và nâng cao chất lượng. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố được bố trí phù hợp với chuyên môn, trình độ và yêu cầu công việc, phát huy hiệu quả năng lực, sở trường.
Để thu hút, đãi ngộ nhân tài chất lượng cao, Thành phố đã có một số cơ chế: quỹ ưu đãi, khuyến khích các nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia giỏi; các ưu đãi về đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ nghiên cứu...
Từ năm 2021 đến nay, Thành phố đã tổ chức 3 kỳ thi tuyển công chức hành chính, tuyển dụng được 437 công chức và 7.091 viên chức.
Giáo dục nghề nghiệp của Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc, với hệ thống cơ sở đào tạo đa dạng, quy mô lớn và chất lượng cao, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực cho không chỉ Thủ đô mà còn cho các địa phương khác, phục vụ hiệu quả tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hiện nay, UBND Thành phố đang tích cực xây dựng các dự thảo nghị quyết để trình tại kỳ họp chuyên đề HĐND Thành phố vào cuối tháng 4/2025 và kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND Thành phố.
Chủ động xây dựng chương trình giáo dục để phát triển nguồn nhân lực
Trong tháng 4/2025, các Đoàn Giám sát của HĐND đã tăng cường giám sát tại các địa phương về việc thực hiện các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại quận Hà Đông, địa phương cho biết trên địa bàn quận Hà Đông hiện có tổng số 160 trường học thuộc các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 103 trường công lập và 57 trường tư thục, cùng với một Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Toàn quận có 3.522 nhóm lớp với tổng số học sinh lên đến 137.698 em. Có 2 trường công lập là Trường THCS Lê Lợi và Trường THPT Lê Lợi đang hoạt động theo mô hình trường chất lượng cao.
Đối với Trường THCS Lê Lợi, nhà trường đã được đầu tư khoảng 138 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của UBND quận để xây dựng cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn của một trường đạt tiêu chí chất lượng cao.
Cả hai trường đang triển khai mô hình chất lượng cao đều sở hữu đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng chuẩn và trên chuẩn đào tạo, có tinh thần học hỏi, nghiên cứu, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kỹ năng về công nghệ thông tin và ngoại ngữ. Việc áp dụng mô hình giáo dục chất lượng cao đã góp phần thúc đẩy tính thực tiễn và khoa học trong hoạt động giảng dạy, giúp các trường chủ động thực hiện nhiệm vụ giáo dục và từng bước khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục của quận.
Tại quận Thanh Xuân hiện có 74 trường học, trong đó 45 trường công lập và 29 trường tư thục ở cả 3 cấp học, với tổng số 64.061 học sinh. Trong số này, có hai cơ sở giáo dục được công nhận đạt chuẩn chất lượng cao gồm Trường THCS Thanh Xuân và Trường Liên cấp THCS, Tiểu học tư thục Ngôi Sao Hà Nội.
Giai đoạn 2021-2025, quận Thanh Xuân đã đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp 28 dự án trường công lập bằng nguồn vốn ngân sách với tổng kinh phí lên đến khoảng 1.109 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở vật chất các trường ngày càng khang trang, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu của mô hình giáo dục chất lượng cao.
Đối với quận Nam Từ Liêm, tính đến tháng 3/2025, toàn quận có 102 trường học, trong đó có 48 trường mầm non, 28 trường tiểu học, 26 trường THCS, một Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 10 Trung tâm học tập cộng đồng. Hà Nội là địa phương duy nhất thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao theo Luật Thủ đô và quận Nam Từ Liêm có 03 trường tham gia mô hình này. Các trường cũng chủ động xây dựng chương trình giáo dục, chương trình nâng cao đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, điều kiện thực tế của nhà trường và yêu cầu của mô hình trường chất lượng cao.
Về việc triển khai nội dung này của TP. Hà Nội, tại cuộc làm việc mới diễn ra của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao những kết quả mà Thành phố đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Trưởng đoàn giám sát đề nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách giáo dục, triển khai hiệu quả các chủ trương, đề án và kế hoạch liên quan đến nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt tập trung vào nhân lực chất lượng cao phục vụ định hướng phát triển và quy hoạch của Thành phố trong tương lai.
Hà Nội cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn; đồng thời đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, đặc biệt về chuyên môn, kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy hiện đại. Đồng thời, cần đẩy mạnh việc hiện đại hóa cơ sở vật chất, thúc đẩy mô hình đào tạo gắn với thực hành tại doanh nghiệp, đầu tư cho các ngành nghề trọng điểm.
Gia Huy