Hà Nội tập huấn công tác coi thi, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
(Chinhphu.vn) - Ngày 23/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị hướng dẫn công tác coi thi với sự tham gia của lãnh đạo 233 điểm thi và hơn 16.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ coi thi.

Hội nghị tập huấn nghiệp vụ coi thi được diễn ra dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.Ảnh: VGP/Minh Anh
Hơn 16.000 cán bộ coi thi đã được tập huấn nghiệp vụ, nhấn mạnh nguyên tắc "3 không, 4 đúng, 6 rõ" với yêu cầu không chủ quan, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Đây là năm đầu tiên kỳ thi được tổ chức cho hai nhóm thí sinh theo hai chương trình giáo dục khác nhau, với hai bộ đề thi và quy chế riêng biệt. Thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (chương trình mới) và thí sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 (chương trình cũ). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hai bộ đề thi riêng biệt, phù hợp với mục tiêu, nội dung học tập của từng chương trình.
Và đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn coi thi theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với hơn 300 điểm cầu, thể hiện quyết tâm chuẩn bị chu đáo, đồng bộ cho kỳ thi quan trọng này.
Để đáp ứng yêu cầu tổ chức thi cho hai nhóm thí sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thành lập 233 điểm thi. Trong đó, có 229 điểm thi dành cho thí sinh theo chương trình mới và 4 điểm thi dành cho thí sinh theo chương trình cũ, đặt tại các quận, huyện: Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông và Đan Phượng. Việc phân bổ hợp lý này giúp bảo đảm an toàn, thuận lợi trong công tác tổ chức và làm bài của thí sinh.

Các đại biểu góp ý tại hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Anh
Tại hội nghị tập huấn, Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT Hà Nội) đã hướng dẫn cán bộ tham gia công tác làm thi nội dung chi tiết về nghiệp vụ coi thi, các điểm khác biệt quan trọng giữa hai nhóm thí sinh; đồng thời nhấn mạnh, những điều khác biệt đó đòi hỏi cán bộ coi thi phải nắm chắc quy chế, hướng dẫn rõ ràng cho thí sinh, đặc biệt về thời gian có mặt tại điểm thi.
Các cán bộ tham gia tập huấn trực tiếp và trực tuyến cũng được nghe đại diện Công an thành phố Hà Nội lưu ý về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng, chống gian lận trong thi cử, nhất là phát hiện các thiết bị gian lận công nghệ cao; qua đó đề nghị cán bộ coi thi, cán bộ giám sát cần báo ngay lực lượng công an nếu phát hiện bất thường để kịp thời khoanh vùng, xử lý.
Tại hội nghị, lãnh đạo các điểm thi và cán bộ coi thi được giải đáp các vướng mắc, tình huống có thể phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ tham gia coi thi được yêu cầu thực hiện nghiêm túc nguyên tắc "3 không, 4 đúng, 6 rõ". Trong đó, "3 không" gồm không lơ là, chủ quan; không quá căng thẳng, áp lực; không tự ý xử lý tình huống ngoài thẩm quyền.
"4 đúng" là thực hiện đúng quy chế và hướng dẫn; đúng quy trình, thủ tục; đúng vị trí, chức trách; xử lý tình huống đúng chỉ đạo."6 rõ" là rõ người thực hiện; rõ công việc; rõ trách nhiệm; rõ thẩm quyền; rõ thời gian; rõ kết quả.
Trách nhiệm của trưởng điểm thi được đặc biệt nhấn mạnh, yêu cầu chịu trách nhiệm toàn diện về mọi hoạt động tại điểm thi. Mỗi buổi thi, trưởng điểm phải tổ chức thu lại toàn bộ thiết bị điện tử của cán bộ coi thi, bố trí khu vực để đồ cá nhân đúng quy định và giám sát nghiêm ngặt vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, nhằm phòng ngừa tối đa các tình huống tiêu cực có thể xảy ra.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Minh Anh
Thực hiện nghiêm theo theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố nhấn mạnh yêu cầu tổ chức kỳ thi với tinh thần “3 bảo đảm” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, gồm: bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan trong mọi khâu; bảo đảm trách nhiệm rõ ràng của từng đơn vị, cá nhân; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
Theo ông Trần Thế Cương, mặc dù đây là kỳ thi thường niên, nhưng năm nay có những điểm mới căn bản. Trong đó, toàn bộ thí sinh học chương trình mới đều dự thi lần đầu tiên, trong khi đội ngũ coi thi vẫn phải thực hiện song song hai quy chế khác nhau. Ban chỉ đạo thi thành phố yêu cầu các đơn vị, cá nhân bảo đảm an toàn và trung thực trong quá trình tổ chức kỳ thi, có phương án dự phòng cho mọi tình huống bất thường, không để xảy ra bất kỳ khâu nào của kỳ thi mà không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ và không có người chịu trách nhiệm.
Ông Trần Thế Cương cho biết, các quận, huyện và các nhà trường đã chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực tham gia, nhưng cần tiếp tục rà soát kỹ và toàn diện mọi khâu, dành những điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và người nhà thí sinh; chú trọng việc tổ chức tập huấn cho cán bộ coi thi và thí sinh để bảo đảm mọi thành viên đều nắm vững, chấp hành quy chế nghiêm túc, trong đó đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu thí sinh tuyệt đối không mang điện thoại di động vào phòng thi - lỗi vi phạm phổ biến dẫn đến đình chỉ thi trong các năm trước.
Trước đó, chiều 18/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo tinh thần "6 rõ" và "3 bảo đảm", với trách nhiệm cao nhất, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh.
Trong bối cảnh bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đang kiện toàn và chức năng thanh tra có sự điều chuyển, công tác tổ chức kỳ thi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương đặc biệt chú trọng, với tinh thần chủ động, thận trọng và khoa học.
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6 với gần 1,17 triệu thí sinh trên cả nước đăng ký dự thi, trong đó Hà Nội có hơn 124.000 thí sinh – tiếp tục là địa phương có số lượng thí sinh đông nhất cả nước, tăng hơn 15.000 em so với năm trước.
Minh Anh