Hà Nội thúc đẩy khai thác dữ liệu để phát triển kinh tế số

30/11/2023 8:15 PM

(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm như: Nông nghiệp, y tế, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động... Vì thế, doanh nghiệp hiện có rất nhiều cơ hội trong việc kết nối và khai thác dữ liệu cho hoạt động kinh doanh.

photo-1701393385348

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo - Ảnh: VGP

Chiều ngày 30/11/2023, trong khuôn khổ Hội thảo: “Tối ưu thế mạnh, kết hợp kết nối và khai thác dữ liệu để phát triển kinh tế số” tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 đã diễn ra Tọa đàm về khai thác dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số tại Hà Nội.

Tham dự có các chuyên gia: Ông Nguyễn Hùng Sơn, Ủy viên Ban thường vụ VINASA, Chủ tịch HĐQT FSI; bà Elaine Liew, Head of Hybrid Edge, Computing, WorldwidePublic Sector, Asia Pacific and Japan, AWS; ông Nguyễn Anh Việt, Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội.

Trao đổi về nội dung thúc đẩy khai thác dữ liệu để phát triển kinh tế số của Hà Nội, theo ông Nguyễn Anh Việt, dữ liệu số là yếu tố rất quan trọng đối với phát triển kinh tế số. Quan điểm của Thành phố trong phát triển kinh tế số là "Cơ quan nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh đóng vai trò nòng cốt và người dân tham gia tích cực trong việc phát triển kinh tế số". 

Ngày 27/9/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành phát triển dữ liệu trong các lĩnh vực trọng điểm như: Nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, công thương, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch. 

Dữ liệu được bảo đảm tạo lập tuân thủ theo quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và sẵn sàng khả năng chia sẻ, khai thác, sử dụng một cách dễ dàng. Song song với đó là việc cung cấp dữ liệu mở của chính quyền Thành phố góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số. Doanh nghiệp hiện đang có rất nhiều cơ hội trong việc kết nối và khai thác dữ liệu cho hoạt động kinh doanh của mình. 

Theo đánh giá của ông Việt, doanh nghiệp hiện nay đã, đang và sẽ phải thay đổi cách tiếp cận, đó là thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng thông qua việc phân tích dữ liệu thay cho việc thấu hiểu sản phẩm của họ. Việc thấu hiểu thị trường, thấu hiểu khách hàng sẽ giúp cho doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo để đem lại giá trị mới cho khách hàng và chính doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Anh Việt cũng cho biết một số thách thức đối với doanh nghiệp trong quá trình kết nối và khai thác dữ liệu để phát triển kinh tế số, đó là:

Thứ nhất, là nhận thức. Doanh nghiệp cần nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, sẵn sàng cho chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp công nghệ số, khai thác dữ liệu số để mang lại giá trị mới cho khách hàng; tạo nên những mô hình kinh doanh mới nhờ chuyển đổi số và khai thác hiệu quả dữ liệu.

Thứ hai, là an toàn thông tin mạng, như vấn đề mất cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo trên không gian mạng… tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế số, không chỉ doanh nghiệp và cả chính quyền và người dân cũng đang phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi số. Nội dung này cũng được Bà Elaine Liew đồng quan điểm khi trao đổi tại hội thảo.

Thứ ba, là vấn đề bảo đảm hành lang pháp lý để việc kết nối và khai thác dữ liệu thực sự hiệu quả. Thông thường các văn bản pháp lý chưa theo kịp với sự phát triển của thực tiễn, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi số.

Chia sẻ về cách thức tiếp cận dữ liệu hiệu quả, ông Nguyễn Anh Việt đã nêu câu chuyện về triển khai chữ ký số công cộng để đạt được chỉ tiêu đến 2025 "Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%" theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số. Nếu các địa phương làm theo cách như hiện nay là doanh nghiệp kết hợp với địa phương vận động từng người dân đăng ký chữ ký số công cộng sẽ rất không hiệu quả. Một trong các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số công cộng đã đề xuất được kết nối với ứng dụng VNeID để tích hợp tính năng đăng ký chữ ký số công cộng. 

Như vậy, việc khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ mang lại hiệu quả cao do đa số người dân đã hoàn thành cài đặt VNeID. Mục tiêu đề ra có khả năng sẽ hoàn thành trước năm 2025.

Để giải quyết các vấn đề vướng mắc trong kết nối và khai thác dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế số, ông Nguyễn Anh Việt đã nêu một số kiến nghị với các Bộ, ngành: Thứ nhất, đề nghị Bộ TT&TT sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia.

Thứ hai, đề nghị Bộ TT&TT và Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, ban hành mới quy định, chính sách về tài sản dữ liệu, mua, bán dữ liệu, dịch vụ dữ liệu để tạo thị trường dữ liệu phát triển lành mạnh, an toàn, tuân thủ pháp luật; rà soát, sửa đổi quy định, chính sách về tài chính, phí, lệ phí đối với hoạt động cung cấp, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, doanh nghiệp và người dân, tạo nguồn thu hợp pháp để duy trì, phát triển dữ liệu.

Thứ ba, đề nghị các Bộ, ngành rà soát, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về cấu trúc dữ liệu phục vụ chia sẻ, mở dữ liệu để đảm bảo tính đồng bộ.

Minh Anh


Top