Luật Thủ đô 2024: Dấu mốc đột phá để xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm

31/12/2024 6:43 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, là dấu ấn rất quan trọng với Hà Nội, khởi động các sự kiện truyền thông là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để tuyên truyền tới các cấp ngành và toàn thể người dân về những quy định mới của Luật, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong quản lý, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Ngày 31/12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức khởi động các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô vào cuộc sống, nhân dấu mốc Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Tham dự sự kiện có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội); Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Gia Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường; Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội Kiều Thanh Hùng; lãnh đạo các ban, sở, ngành của Thành phố, quận Hoàn Kiếm, các cơ quan báo chí và đông đảo người dân Thủ đô.

Kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ của Thủ đô

Phát biểu khai mạc các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh, việc Luật Thủ đô 2024 được thông qua không chỉ là tin vui lớn với chính quyền và Nhân dân Thủ đô, mà còn mang đến những kỳ vọng về sự thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng kỳ vọng của cả nước về một Thủ đô - "trái tim" của cả nước phát triển xứng tầm trong tương lai.

Nhằm hoàn thiện "bệ phóng" thể chế để Thủ đô tăng tốc phát triển, UBND TP. Hà Nội đang đẩy mạnh việc phối hợp với các bộ, ngành, tham mưu dự thảo các nghị định, nghị quyết, quyết định hướng dẫn thực hiện để Luật Thủ đô 2024 đi vào cuộc sống.

Luật Thủ đô 2024: Dấu mốc đột phá để xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị phát biểu khai mạc các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống. Ảnh: VGP

Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 6/12/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về triển khai thi hành Luật Thủ đô và các Kế hoạch triển khai Luật Thủ đô 2024, Báo Kinh tế & Đô thị đã ban hành các Kế hoạch năm, kế hoạch cao điểm theo từng giai đoạn tuyên truyền, giới thiệu những điểm mới của Luật Thủ đô 2024 bằng hình thức tuyên truyền mới như: Talkshow truyền hình, Hội thảo khoa học, toạ đàm; thực hiện các tuyến bài chuyên sâu bằng hình thức báo chí hiện đại như: emagazine, longfom, infographic, podcast, video…

"Nhân ngày Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, ngày 1/1/2025, được sự đồng ý của Thành uỷ, UBND TP. Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, trong đó Talkshow "Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô" là sự kiện mở đầu cho chuỗi các sự kiện báo thực hiện tại phố Sách Hà Nội.

Đồng thời, tại sự kiện này, Báo tổ chức trưng bày ảnh với chủ đề "Hà Nội vươn mình bứt phá"; giới thiệu phóng sự về Luật Thủ đô 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành; giới thiệu phóng sự về Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050", ông Nguyễn Thành Lợi cho hay.

Hà Nội cần triển khai Luật Thủ đô đồng bộ, hiệu quả

Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ nhấn mạnh, ngày 1/1/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, là dấu ấn rất quan trọng với Hà Nội, khởi động các sự kiện truyền thông là hoạt động có ý nghĩa rất lớn để tuyên truyền tới các cấp ngành và toàn thể người dân về những quy định mới của Luật, đồng thời nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của Luật Thủ đô trong quản lý, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ, Luật Thủ đô 2024 đã thể chế hóa đầy đủ cơ chế mang tính đặc thù để Thủ đô bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị "về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", đã xác định để đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…

Luật có quy định riêng về mô hình chính quyền đô thị áp dụng cho TP. Hà Nội và có cơ chế phân cấp, phân quyền rõ ràng, trao trách nhiệm và trao nhiều quyền hơn để Hà Nội có thẩm quyền quyết định những vấn đề liên quan đến những điều kiện đặc thù đúng với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" đã được Tổng Bí thư Tô Lâm và lãnh đạo các cấp của Quốc hội, Chính phủ thường xuyên nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Những điều khoản đã được quy định cụ thể, chi tiết hơn trong nội dung trao trách nhiệm, trao quyền cho Thủ đô được thể hiện theo hướng ưu tiên áp dụng trong hệ thống pháp luật.

Luật cũng sẽ giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về kiến trúc cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường.

Cùng với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, những cơ chế, chính sách đặc thù từ Luật Thủ đô năm 2024 sẽ tạo xung lực mới, không gian mới để Thủ đô phát triển toàn diện, với không gian mở, tập trung đổi mới sáng tạo, xây dựng Thủ đô thực sự là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", xứng tầm với Thủ đô trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

"Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và TP. Hà Nội cũng mong muốn nhận được sự các ý kiến đóng góp về những giải pháp, cách thức triển khai thi hành Luật Thủ đô một cách hiệu quả, sáng tạo phù hợp với yêu cầu trong thực tiễn, đặc biệt là để giúp tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực mới để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững" - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thuỷ nhấn mạnh.

Luật Thủ đô 2024: Dấu mốc đột phá để xây dựng Thủ đô phát triển xứng tầm- Ảnh 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP

Sau khai mạc các sự kiện truyền thông đưa Luật Thủ đô 2024 vào cuộc sống, các đại biểu đã theo dõi phóng sự "Luật Thủ đô 2024: Điểm tựa thể chế để Hà Nội vươn mình trong kỷ nguyên mới". Tiếp đó, các diễn giả cùng trao đổi, bày tỏ tại Talkshow "Luật Thủ đô 2024: Hiện thực khát vọng vươn mình của Thủ đô".

"Chìa khóa" giải bài toán ùn tắc giao thông

Trao đổi tại Talkshow, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông đánh giá, Luật Thủ đô 2024 tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù. Luật Thủ đô 2024 dành riêng Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và khu vực TOD, đầu tư phát triển đường sắt đô thị và các cơ chế thu phí giá trị thặng dư từ đất trong khu vực TOD. Điều này giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị.

"Quy định tại Điều 31 của Luật Thủ đô 2024 nói về phát triển đô thị có điểm nhấn rất lớn làm thay đổi cả về chất và lượng trong phát triển đô thị Hà Nội trong thời gian tới. Cùng đó, chúng tôi đặt rất nhiều kỳ vọng đối với chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn trong Luật Thủ đô. Cơ chế này giao quyền cho TP. Hà Nội được làm chủ, quyết định toàn bộ dự án đường sắt đô thị, giúp đẩy nhanh tiến độ. Hà Nội có thể chủ động hoàn thành toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị. Luật Thủ đô được áp dụng, Hà Nội có thể hoàn thành được mục tiêu phát triển đường sắt đô thị đã đề ra", ông Đặng Huy Đông bày tỏ.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông, ở những nơi có giao thông công cộng đi qua mới có thể phát triển khu đô thị nén. Bất động sản từ các khu đô thị nén này sẽ được tăng giá trị, tạo nguồn vốn để phát triển giao thông công cộng. Nếu đô thị từ 3 triệu dân số trở lên mà phát triển giao thông hỗn hợp sẽ dẫn đến ùn tắc giao thông. Do vậy, cần hạn chế phương tiện cá nhân, đó là sự lựa chọn bắt buộc. Muốn làm được điều đó phải được người dân ủng hộ. "Người dân phải đồng thuận rất cao với chính quyền để hạn chế phương tiện cá nhân, tuy nhiên, để người dân ủng hộ, Nhà nước phải đáp ứng được nhu cầu đi lại cho người dân bằng phương tiện công cộng", ông Đặng Huy Đông nêu quan điểm.

Đồng thời, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và Phát triển Đặng Huy Đông chia sẻ: "Tôi đi đường sắt đô thị, từ Ga Cát Linh đến Ga Hà Đông chỉ mất hơn 10 phút, điều này chứng minh đường sắt đô thị trên cao rất tiện lợi. Tuy nhiên, cần có hệ thống giao thông công cộng đồng bộ. Các tầng giao thông công cộng là đường sắt đô thị, xe buýt, xe taxi và xe điện nhỏ sẽ bảo đảm phủ kín nhu cầu đi lại của người dân".

Trong khi đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đề nghị làm rõ về mô hình TOD. "Chúng ta cần tìm hiểu để thống nhất; bởi Việt Nam khác với các nước, và Hà Nội lại càng đặc biệt, bởi Hà Nội có quỹ di sản phong phú. Luật Thủ đô 2024 giao cho UBND TP. Hà Nội chọn vị trí TOD, đây là trách nhiệm lớn vì Hà Nội có nhiều di tích lịch sử. Chúng ta chọn vị trí ở đâu, làm thế nào để có người dân đến, dân hưởng thụ là thách thức và là trọng trách rất lớn", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Mở cánh cửa cho quy hoạch, phát triển bền vững

Là người trực tiếp chủ trì lập Quy hoạch Thủ đô và tham gia góp ý trực tiếp trong quá trình xây dựng và thông qua Luật Thủ đô 2024, GS.TS Hoàng Văn Cường - đại biểu Quốc hội Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhiệm kỳ 2024 – 2029 cho biết, các đô thị lớn trên thế giới đều phát triển đô thị hai bên sông, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó với sông Hồng, trong khi đó là khu vực đắc địa, có thể phát triển kinh tế. Hay như đối với phố cổ, nơi giá trị kinh tế rất cao, nhưng có nhược điểm là chật hẹp, chen chúc, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của người dân, cũng như vấn đề về môi trường...

"Lần này chúng ta có Luật Thủ đô 2024, đây là bước tiến quan trọng về mặt thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý để giải quyết vấn đề này. Có thể nói, những đại đô thị ven sông sẽ trở thành xu hướng của thời đại mới, giúp phát huy những giá trị văn hóa, sinh thái và khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế dịch vụ" - GS.TS Hoàng Văn Cường chia sẻ.

GS.TS Hoàng Văn Cường dẫn ví dụ, đối với quy hoạch sông Hồng, trong Luật Thủ đô 2024 đã cho phép khai thác 2 bên bờ sông Hồng để phát triển công nghiệp văn hóa, vẫn tuân thủ những yêu cầu về an toàn thoát lũ, nhưng chúng ta vẫn được phép xây dựng, khai thác những công trình thương mại, dịch vụ. Trong đó, cho phép phát triển phía Tây sông Hồng trở thành con đường di sản. Ở đó sẽ tái hiện toàn bộ câu chuyện lịch sử, văn hóa, con người của đất nước, kèm theo đó là những hoạt động kinh doanh, dịch vụ để phục vụ người dân và du khách tham qua, du lịch... Từ đó, tạo thành một không gian văn hóa, lễ hội truyền thống của 63 tỉnh, thành phố sẽ được tập trung vào đó.

"Đặc biệt, thông qua công tác quy hoạch lần này, sông Hồng có thể cung cấp nước cho các hệ thống sông trong nội đô (sông Tô Lịch, sông Sét...) sẽ giúp làm sạch và làm sống lại những dòng "sông chết" tại nội đô. Như vậy, chúng ta đã có cơ chế rõ ràng để khai thác tiềm năng của sông Hồng. Trong tương lai, sông Hồng sẽ trở thành trục cảnh quan, văn hóa, dịch vụ, khi đó chúng ta sẽ thực sự có TP bên sông" - GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Trong khi đó, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận xét, qua thống kê, trong Luật Thủ đô 2024 có tới 14 - 15 chính sách đặc thù về quy hoạch; đặc biệt phân cấp, phân quyền cho Hà Nội rất lớn.

"Ví dụ, trước đây khi chúng tôi còn làm ở Hà Nội, muốn điều chỉnh một quy hoạch được Thủ tướng duyệt phải qua tất cả bộ, ngành, rất vất vả, lần này, Quốc hội giao cho Hà Nội tự quyền quyết định điều chỉnh quy hoạch nếu đủ căn cứ, đây là thuận lợi rất lớn về mặt cơ chế. Đồng nghĩa với đó, TP được phân cấp, phân quyền cũng đương nhiên phải tự làm, tự chịu trách nhiệm, đúng như tinh thần T.Ư đang nhấn mạnh: "địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm". Đồng thời, với đặc thù về quy hoạch trong Luật Thủ đô là phát triển không gian công cộng, không gian ngầm, những lĩnh vực này, Hà Nội đã đi sớm, hiện cần tiếp tục triển khai để đáp ứng yêu cầu thực tiễn..." - TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm thông tin.

Đánh giá về cơ hội phát triển của Thủ đô, khi Hà Nội đã có những định hướng hết sức có giá trị, đó là Luật Thủ đô 2024 và các quy hoạch lớn, nhất là Quy hoạch Thủ đô được lập với "tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" được phê duyệt, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, hiện nay, chúng ta đang thực hiện đồng bộ các quy hoạch, đây là sự linh hoạt về cơ chế của TP Hà Nội - là công cụ sắc bén để tổ chức thực hiện Luật Thủ đô 2024. Riêng về công tác quy hoạch trong Luật Thủ đô có rất nhiều quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, như về điều chỉnh quy hoạch, công tác phê duyệt các dự án, chọn chủ đầu tư, xác định nguồn lực…

"Có thể nói, trong Luật Thủ đô 2024, công tác quy hoạch là lĩnh vực quan trọng được chú ý. Tôi tin tưởng, nếu chúng ta thấm nhuần trọng trách được Nhà nước giao, với tinh thần tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm sẽ đưa Thủ đô lên tầm cao mới. Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục cụ thể hóa những vấn đề trong chính sách đặc thù đã được xác định trong Luật Thủ đô 2024 để tạo ra những đột phá, phát triển mạnh mẽ cho Thủ đô trong kỷ nguyên mới", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Thùy Chi

Top