Nâng mức phạt vi phạm đất đai, môi trường: Bước tiến tích cực hướng tới đô thị bền vững
(Chinhphu.vn) - Việc Hà Nội nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm trong hai lĩnh vực đất đai và môi trường được đánh giá là bước đi cấp thiết, biện pháp hữu hiệu nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước và thúc đẩy phát triển bền vững.
Tăng mức phạt gấp 2 lần đối với vi phạm
Ngày 29/4, tại kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 22), HĐND TP Hà Nội đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội (Thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô).

Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, chỉ riêng trong năm 2024, thành phố đã phát hiện và xử lý hơn 1.200 vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai và môi trường. Ảnh minh họa
Theo đó, mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm là mức áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân...
Trước đó, trình bày Tờ trình về việc đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội (Thực hiện khoản 1 Điều 33 Luật Thủ đô), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, cùng với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hoá là tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố diễn ra phổ biến và có số lượng lớn các vi phạm chưa được xử lý.
Các hành vi vi phạm chủ yếu vẫn thường xuyên tái diễn như: đổ thải không đúng quy định, vận chuyển chất thải không che chắn để rơi vãi ra đường giao thông, vứt rác thải nơi công cộng, vệ sinh không đúng nơi quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn, không tiến hành thu gom chất thải nguy hại theo quy định…
"Để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, yêu cầu đặt ra cho chính quyền thành phố phải giải quyết bài toán tăng trưởng phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, cùng với các giải pháp về lĩnh vực bảo vệ môi trường hiện hành, việc tăng mức xử phạt theo quy định tại khoản 1, Điều 33 Luật Thủ đô để tăng tính răn đe là cần thiết", ông Nguyễn Xuân Đại nêu rõ.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, việc nâng mức xử phạt với hành vi vi phạm bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp để góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân Thủ đô; là biện pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường; đồng thời thể hiện thái độ của chính quyền thành phố và của Nhân dân Hà Nội trong việc bảo vệ môi trường Thủ đô.
Từ những lý do trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội khẳng định, việc ban hành Nghị quyết HĐND TP. Hà Nội về nâng mức tiền phạt cao hơn so hơn với quy định của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội là rất cần thiết.
Thẩm tra về nội dung này, Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội bày tỏ thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
"Việc ban hành Nghị quyết quy định về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội theo hướng nâng mức tiền phạt theo mức quy định chung áp dụng trong toàn quốc của pháp luật chuyên ngành lên mức phạt cao hơn nhưng trong khung được Luật Thủ đô quy định là một biện pháp hữu hiệu đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, hạn chế, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội", Phó trưởng Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội Hoàng Thị Thúy Hằng nêu rõ.
Cùng với đó, theo Ban Pháp chế HĐND thành phố, phạm vi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường được quy định nâng mức tiền phạt đã bảo đảm sự thống nhất với các hành vi vi phạm hành chính được quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Ban Pháp chế HĐND TP. Hà Nội nhận định, đây là các hành vi vi phạm mang tính phổ biến trong thời gian qua, mặc dù đã được cơ quan quản lý Nhà nước nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên; hoặc là các hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả khó khắc phục, thậm chí không khắc phục được, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và uy tín của chính quyền các cấp. Vì vậy, Ban thống nhất với phạm vi các hành vi vi phạm được xác định nâng mức tiền phạt như trong dự thảo Nghị quyết.
Cần triển khai đồng bộ, tăng cường công khai, minh bạch trong xử phạt
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, Hà Nội đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý đất đai và bảo vệ môi trường. Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, chỉ riêng trong năm 2024, thành phố đã phát hiện và xử lý hơn 1.200 vụ vi phạm trong lĩnh vực đất đai và môi trường.
Các hành vi phổ biến gồm: lấn chiếm đất công, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng công trình không phép, xả thải gây ô nhiễm môi trường nước, không thu gom rác thải đúng quy định.
Mức tiền phạt hiện nay theo các nghị định chung của Chính phủ (Nghị định 45/2022/NĐ-CP về môi trường và Nghị định 123/2024/NĐ-CP về đất đai) còn thấp so với giá trị đất đai và mức độ hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Điều này dẫn đến tình trạng một số cá nhân, tổ chức chấp nhận nộp phạt để tiếp tục tái phạm, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô hiện đại, xanh - sạch - đẹp.
Theo các chuyên gia, việc nâng mức phạt là bước đầu quan trọng, song để đạt hiệu quả thực tế, Hà Nội cần đồng thời triển khai các biện pháp đi kèm như: Tăng cường công khai, minh bạch trong xử phạt; Ứng dụng công nghệ số trong phát hiện, giám sát hành vi vi phạm; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật đến từng khu dân cư, doanh nghiệp; Xây dựng các mô hình cộng đồng tự quản về đất đai và môi trường; Sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và các tổ chức xã hội sẽ là yếu tố then chốt quyết định thành công của chính sách này.
Cho ý kiến về việc nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm lĩnh vực đất đai và môi trường, PGS.TS Vũ Thị Minh, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Hà Nội, cho rằng, việc nâng mức phạt là cần thiết để gia tăng tính răn đe. Tuy nhiên, nên cụ thể hóa mức phạt tương ứng cho từng hành vi để dễ áp dụng và minh bạch hơn.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội), đánh giá, tình trạng vi phạm trong lĩnh vực môi trường ngày càng nghiêm trọng. Do đó, việc nâng mức xử phạt sẽ góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh trong quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cho rằng, ngoài việc tăng mức phạt, thành phố nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, xử lý vi phạm, đồng thời xây dựng cơ chế khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc phát hiện hành vi vi phạm.
Việc Hà Nội đề xuất nâng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm đất đai và môi trường là một bước đi tất yếu, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn mới. Không chỉ nhằm mục tiêu răn đe, giải pháp này còn hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại, an toàn và đáng sống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng thuận từ người dân và cộng đồng doanh nghiệp, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước, đi đầu trong công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển đô thị bền vững.
Theo Nghị quyết được HĐND TP. Hà Nội thông qua, quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
Đối tượng áp dụng là cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Điều 5 Nghị quyết này, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này.
Cụ thể, mức tiền phạt: Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị quyết này cao hơn mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP, nhưng không vượt quá mức tiền phạt quy định tại điểm k khoản 1 Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính, được sửa đổi, bổ sung tại điểm k khoản 10 Điều 1 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.
Mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này là mức tiền áp dụng đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 (hai) lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Nguyên tắc áp dụng về thẩm quyền xử phạt: Các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị quyết này. Trường hợp Chính phủ có điều chỉnh quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Các hành vi vi phạm hành chính áp dụng mức tiền phạt: Áp dụng mức tiền phạt theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP.
Thùy Chi