Phát huy tối đa tiềm năng để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, hai nghị quyết về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa nếu được ban hành sẽ là nền tảng để biến văn hoá thành nguồn lực Thủ đô.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới các điểm cầu tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh
Sáng 18/4, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội thảo "Giải pháp tổ chức và hoạt động của Trung tâm Công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa".
Hội thảo được tổ chức để nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nghệ nhân, nghệ sĩ và các tổ chức, doanh nghiệp về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (CNVH), khu phát triển thương mại và văn hóa được quy định tại khoản 7, khoản 8, Điều 21 của Luật Thủ đô; đánh giá thực trạng các mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, khu phát triển thương mại và văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện nay; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động, thu hút đầu tư, quảng bá; cơ chế chính sách ưu đãi phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa và khu phát triển thương mại và văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Anh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội thảo là cơ hội quý để TP. Hà Nội tiếp thu các ý kiến của cơ quan Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sỹ và các tổ chức, doanh nghiệp, để hoàn thiện và xây dựng thể chế bảo vệ và phát triển văn hoá Thủ đô, xứng tầm với truyền thống ngàn năm Thăng Long Hà Nội, xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá cả nước nói chung, phát triển văn hoá Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho biết, để thi hành Luật Thủ đô, hiện TP. Hà Nội đang xây dựng và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hoá các quy định của Luật Thủ đô. Theo kế hoạch tại kỳ họp HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, ban hành 2 dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa và Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn, để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng mà cụ thể là tăng trưởng bền vững, tăng trưởng xanh thì phát triển công nghiệp văn hoá là giải pháp quan trọng; đồng thời là lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô Hà Nội. Hà Nội kỳ vọng, với cơ sở pháp lý quan trọng là Luật Thủ đô, Hà Nội sẽ phát huy tối đa tiềm năng văn hoá để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá Thủ đô.
"Hai nghị quyết này nếu được ban hành là cơ sở quan trọng của việc phát triển văn hoá nói chung, công nghiệp văn hoá nói riêng, là nền tảng để biến văn hoá thành nguồn lực Thủ đô"- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định và tin tưởng với sự tham gia nhiệt tình của các cấp, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cùng tình yêu Hà Nội, Hội thảo sẽ đóng góp những cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện hai văn bản trên...

TS. Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Hành lang pháp lý quan trọng cho phát triển công nghiệp văn hóa
Tại hội thảo sáng nay, các tham luận đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của hai Nghị quyết đối với hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa cũng như các mô hình thực tế của các đơn vị đang triển khai hiện nay.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các nhà quản lý đã cùng chia sẻ tình yêu với Hà Nội, đóng góp những ý kiến tâm huyết vào Dự thảo Nghị quyết. Theo đó, đề nghị thành phố cần làm rõ hơn nữa nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là từ khối doanh nghiệp nước ngoài; xây dựng cơ chế cụ thể hơn về việc cho thuê tài sản công; cần bổ sung chính sách hỗ trợ các chủ thể sáng tạo trong hoạt động CNVH dựa trên không gian văn hóa, di sản văn hóa, gắn liền với cộng đồng.
Theo TS. Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH Hà Nội, về cơ bản, việc triển khai thành lập Trung tâm công nghiệp văn hóa, Khu phát triển thương mại và văn hóa phù hợp với định hướng Quy hoạch Thủ đô quy hoạch. Phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa là bước đi quan trọng trong việc xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm văn hóa sáng tạo của cả nước và khu vực. Phát triển khu vực thương mại và văn hóa là một chiến lược quan trọng để kết nối phát triển kinh tế và văn hóa, tạo ra không gian sáng tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế đô thị bền vững. 2 mô hình này sớm được đưa vào hoạt động sẽ góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hoá, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của Thủ đô Hà Nội trong 5 năm tới.
Ông Lê Ngọc Anh đề xuất Hà Nội hoàn thiện cơ chế, chính sách (ưu đãi đất đai, quy hoạch đô thị, thuế…), tạo hành lang pháp lý phát triển các không gian sáng tạo và ngành CNVH có thế mạnh; chọn trọng tâm, hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa - sáng tạo; đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ các trung tâm; đa dạng mô hình tổ chức công - tư; cập nhật quy hoạch phù hợp với định hướng CNVH.
Các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ kinh nghiệm ở các nước như Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore liên quan đến tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, khu phát triển thương mại và văn hóa, và góp ý trên cơ sở thực tế của Hà Nội.

Ông Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Ông Emmanuel Cerise – Trưởng đại diện vùng Région Ile-de-France tại Hà Nội cho biết, hiện nay, ngành CNVH mang lại cho kinh tế Pháp khoảng 110 tỷ euro. Trên toàn EU, CNVH đứng thứ 3 sau Xây dựng và Kinh doanh nhà hàng - khách sạn. Lĩnh vực CNVH gồm nghệ thuật, quảng cáo, truyền hình, báo chí, điện ảnh, trò chơi điện tử...
Tại Pháp, quản lý văn hóa gắn với phát triển kinh tế. Theo ông Cerise, Hà Nội có địa giới hành chính rộng, sức hút văn hóa lớn ở ngoại thành, có thể phát triển trung tâm CNVH hiệu quả. Hà Nội nên phát triển cả trung tâm do Nhà nước và tư nhân quản lý. Để phát huy các trung tâm CNVH, cần đầu tư hạ tầng giao thông, xây các tuyến buýt kết nối di sản, cung cấp tài liệu cho hành khách.
Tái sử dụng công trình cũ, tạo không gian cho phát triển công nghiệp văn hóa
Theo Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, trung tâm CNVH nên có diện tích từ 1 - 5 ha, thu hút khoảng 60 - 80 gian hàng, đồng thời có không gian chung thiết kế thân thiện, gắn kết cộng đồng. Để xác định ra kích thước tối ưu trong quy hoạch khu vực triển khai hệ sinh thái thương mại văn hóa thì cần phải cân nhắc kỹ lưỡng để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và tạo ra một không gian hấp dẫn cho cả thương mại lẫn văn hóa. Và nhấn mạnh sự đồng tìn với các chuyên gia là tiêu chí là xây dựng mô hình mới bên cạnh việc tái sử dụng công trình cũ.
Bà Phạm Thanh Hường, Trưởng ban Văn hóa UNESCO Việt Nam tại Hà Nội nhấn mạnh kinh nghiệm của các nước. Đó đầu tiên cần ưu tiên việc tái sử dụng và hồi sinh các không gian không được sử dụng.
Theo bà Hường, trên thực tế là trong năm qua, tại Hà Nội, việc tổ chức tuần lễ sáng tạo ở những không gian như tháp nước Hàng Đậu, Nhà máy xe lửa Gia Lâm đã thu hút sự quan tâm của giới trẻ và người dân Thủ đô và tỏ rõ tính hiệu quả lan tỏa. Thế hệ trẻ rất có cảm hứng trong việc được trải nghiệm và tham gia sáng tạo tại những không gian văn hóa, công trình cũ gắn với câu chuyện của Thủ đô Hà Nội.
Bà Phạm Thanh Hường cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc cần có Quỹ tài trợ từ Nhà nước, hoặc hợp tác công tư để thành lập các Quỹ sáng tạo. Cũng theo bà Hường, phát triển công nghiệp văn hóa của các nước là nguyên tắc dựa vào cộng đồng, bao gồm từ nghệ sĩ đến các tầng lớp sinh viên. Sự thành công của các nước cho thấy cần có sự liên kết đa ngành, công nghiệp văn hóa là lõi, sau đó kết hợp thiết kế sáng tạo, công nghệ, trung tâm đổi mới, không gian cho các thử nghiệm công nghệ gắn với nghệ thuật. Bà Hường cho rằng, tính linh hoạt và không gian cho thử nghiệm, cho phép thử nghiệm mới, cho cơ chế vừa làm vừa nghiên cứu để khuyến khích được các cá nhân và đơn vị tham gia.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn khẳng định, việc phát triển CNVH là một trong những chủ trương quan trọng của thành phố nhằm biến văn hóa thành động lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong điều kiện hiện nay, thành phố sẽ ưu tiên việc sử dụng lại các khu nhà máy, trụ sở, khu công nghiệp cũ để cải tạo, chuyển đổi công năng phục vụ phát triển văn hóa.
Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành Nghị quyết về liên doanh, liên kết, nhượng quyền… Đây là cơ sở để các đơn vị thúc đẩy phát triển CNVH theo hình thức này. "Thành phố sẽ chủ trương đẩy mạnh hình thức hợp tác Công – Tư (đầu tư công, quản trị tư), phát huy sự sáng tạo, đổi mới của khu vực tư nhân", Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết.
Ông Lê Hồng Sơn cũng lưu ý cần quan tâm đến quy hoạch chuyên ngành, tránh chồng chéo, để có thể huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia phát triển. Với vai trò định hướng, thành phố Hà Nội sẽ tập trung hỗ trợ về công nghệ, truyền thông, hợp tác quốc tế và phát triển thị trường. Việc phát triển trung tâm CNVH cần được thực hiện theo lộ trình với những bước đi phù hợp, chắc chắn.
Dự thảo Nghị quyết về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa gồm 5 chương, 24 điều. Trong đó, Trung tâm công nghiệp văn hóa được định nghĩa là "khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa". Các trung tâm này có thể được thành lập theo 3 mô hình tổ chức: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập hoặc hợp tác xã. Dự thảo đề xuất một khung pháp lý toàn diện cho việc thành lập, quản lý và vận hành các trung tâm công nghiệp văn hóa - nơi kết nối giữa di sản văn hóa truyền thống và công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị cao.
UBND TP. Hà Nội đang công bố rộng rãi dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện và trình Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới đây.
Minh Anh