Phát triển đường sắt đô thị: Hướng đến giao thông xanh, an toàn
(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội luôn xác định rõ về tầm quan trọng của đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Đây là phương tiện chủ lực trong mục tiêu hướng đến giao thông xanh, an toàn.

Đường sắt đô thị là phương tiện chủ lực trong mục tiêu hướng đến giao thông xanh, an toàn. Ảnh: VGP/Thùy Linh
Đường sắt đô thị phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách trong quý I/2025
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), trong quý 1/2025, đơn vị đã tổ chức vận hành tuyệt đối an toàn hơn 39.000 lượt tàu, phục vụ gần 5 triệu lượt hành khách, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, tuyến Cát Linh - Hà Đông đạt hơn 3 triệu lượt hành khách, tăng hơn 13%, doanh thu từ vé đạt hơn 20 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Tuyến Nhổn - Ga Hà Nội đạt xấp xỉ 1,5 triệu lượt hành khách, doanh thu đạt hơn 9 tỷ đồng.
Về công tác bảo trì, hạ tầng, công trình, trang thiết bị và đoàn tàu, lãnh đạo Metro Hà Nội thông tin, các đoàn tàu, hạ tầng liên quan được công ty thực hiện đầy đủ theo kế hoạch và quy trình. Hiện nay, công ty đang phối hợp với Sở Xây dựng để chuẩn bị phương án ký hợp đồng bảo trì khi đủ điều kiện sẽ giao dự toán theo quy định.
Về công tác kiểm tra, đảm bảo an toàn, chất lượng giám sát và công tác đào tạo, diễn tập, tuyên truyền sản xuất được công ty đáp ứng theo hoạch đề ra. Đối với tuyến Cát Linh - Hà Đông, Metro Hà Nội đã thực hiện mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với hạng mục tài sản theo đúng quy định của pháp luật, chủ động rà soát liên quan đến hệ thống quản lý an toàn (SMS) và đánh giá nội bộ năm 2024.
Đồng thời, phối hợp đơn vị tư vấn điều chỉnh, hoàn thiện đề cương nhiệm vụ và phương án dự toán theo các ý kiến của Cục Đường sắt Việt Nam; dự kiến hoàn thành trong quý II/2025. Đối với tuyến Nhổn - Ga Hà Nội, Metro Hà Nội đã hoàn thành các điều kiện theo yêu cầu của Tư vấn đánh giá an toàn hệ thống (Tư vấn ABC); hoàn thành góp ý vào các quy trình vận hành (SOP) để Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội trình Sở Xây dựng phê duyệt chính thức.
Metro Hà Nội cũng đang phối hợp với các đơn vị như: Xe buýt của Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), Xe đạp Trí Nam, xe buýt điện của VinBus, các dịch vụ gọi xe gồm Xanh SM, Grab Việt Nam... nghiên cứu xây dựng các kế hoạch, phương án, đề án tăng cường kết nối đường sắt đô thị với các phương thức khác.
Tăng cường kết nối đường sắt đô thị với các phương thức khác
Theo ông Khuất Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, năm 2025, Metro Hà Nội đã xây dựng và được Sở Tài chính phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh với tổng số lượt tàu hơn 161.000 lượt (tăng gần 47%) với hơn 19 triệu hành khách, doanh thu hơn 111 tỷ đồng (tăng hơn 24%), lợi nhuận sau thuế hơn 20 tỷ đồng (tăng hơn 34% so với năm 2024).
Trên cơ sở kế hoạch sản xuất kinh doanh trong quý II và cả năm năm 2025, Metro Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung, đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ nhân lực, đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn, thông suốt hai tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành toàn diện kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ tuyển dụng bổ sung và đào tạo thực hành đội ngũ nhân lực còn thiếu đáp ứng kịp thời yêu cầu và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là bổ sung nhân sự còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn vận hành trên tuyến Cát Linh - Hà Nội và tuyến Nhổn - Ga Hà Nội…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, TP. Hà Nội đã xác định rõ về tầm quan trọng của đường sắt đô thị để giải quyết vấn đề về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây là phương tiện chủ lực trong mục tiêu hướng đến giao thông xanh, an toàn.
Do đó, Phó Chủ tịch Thành phố yêu cầu Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội khẩn trương thực hiện các giải pháp kiện toàn bộ máy nhân sự chất lượng cao; sắp xếp, tinh gọn bộ máy, làm chủ công nghệ phần mềm, vận hành.
Đồng thời thường xuyên phối hợp với Sở Xây dựng, Tổng Công ty vận tải Hà Nội để tăng cường tính kết nối, nâng cao hiệu quả vận hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân di lại được khép kín, an toàn.
Có thể thấy, đường sắt đô thị là phương tiện công cộng an toàn, tiện lợi, thân thiện với môi trường và phù hợp với nhiều nhóm đối tượng, từ người già đến trẻ nhỏ. Quan trọng hơn, metro đóng vai trò xương sống trong chiến lược phát triển đô thị bền vững, kết nối hiệu quả các trung tâm dân cư, kinh tế, dịch vụ với các khu vực vùng ven. Đầu tư cho đường sắt đô thị chính là đầu tư cho tương lai-một tương lai giao thông xanh, thông minh và an toàn cho mọi công dân Thủ đô.
Thùy Linh