Tăng cường các biện pháp phòng chống sởi với nhóm có nguy cơ cao
(Chinhphu.vn) - Hiện nay dịch sởi vẫn tiếp tục gia tăng, chưa có dấu hiệu giảm. Đây là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh chóng. Khi mắc bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng (viêm não, viêm phổi, tiêu chảy… nặng có thể dẫn đến tử vong). Vì vậy, việc đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh là hết sức cần thiết, nhất là với nhóm có nguy cơ cao.

Tiêm vaccine để phòng chống dịch sởi hiệu quả. Ảnh: VGP/Thiện Tâm
Tại Hà Nội, từ ngày 4 đến ngày 11/4 ghi nhận 212 trường hợp mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Nam Từ Liêm (46 ca); Long Biên (17 ca); Hoàng Mai (16 ca); Tây Hồ (12 ca)…
Số ca mắc sởi chưa có xu hướng giảm, chủ yếu ở người chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, có xu hướng tăng ở nhóm trên 6 tuổi, dự báo số mắc sẽ tiếp tục tăng.
Cộng dồn năm 2025, Thành phố ghi nhận 1.665 trường hợp tại 30/30 quận, huyện, thị xã, 1 trẻ tử vong. Bệnh nhân phân bố theo nhóm tuổi: 12,1% dưới 6 tháng; 15,2% từ 6-8 tháng; 9,7% từ 9 - 11 tháng; 22,1% từ 1 - 5 tuổi; 14,3% từ 6 - 10 tuổi, 26,6% trên 10 tuổi.
Hiện nay trên cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi ở người trưởng thành với diễn biến bệnh nặng, trong đó có cả trường hợp tử vong. Vì vậy, để giảm thiểu nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong ở nhóm đối tượng nguy cơ cao, Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiêm vaccine phòng sởi, trong đó, người thuộc nhóm nguy cơ cao (gồm người mắc bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, tăng huyết áp, người trên 50 tuổi), đặc biệt là những người không rõ tiền sử tiêm chủng hoặc chưa từng mắc sởi, cần chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi để bảo vệ sức khỏe.
Khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc sởi như: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban… người có nguy cơ cao cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nghiêm trọng.
Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh sởi. Trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc cần đeo khẩu trang và vệ sinh tay ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh.
Tăng cường sức đề kháng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh mũi họng, giữ ấm cơ thể và nâng cao thể trạng nhằm tăng cường sức đề kháng phòng ngừa bệnh sởi.
Đảm bảo môi trường sống, học tập, làm việc luôn thông thoáng, sạch sẽ; thường xuyên lau dọn, vệ sinh các bề mặt và khu vực sinh hoạt, học tập, làm việc.
Theo Sở Y tế Hà Nội, để đẩy mạnh công tác phòng chống sởi cho trẻ nhỏ, ngành Y tế cần phối hợp với nhà trường để triển khai công tác tiêm chủng vaccine trong trường học; đồng thời rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo quy định. Khi có trường hợp mắc bệnh sởi tại các trường học cần tổ chức rà soát việc tiêm chủng của trẻ, để tiêm chủng cho những trẻ chưa được tiêm để phòng bệnh kịp thời.
Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.
Đồng thời tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống bệnh sởi. Tuyên truyền để người dân chủ động đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch và hưởng ứng các chiến dịch tiêm chủng bổ sung do ngành Y tế triển khai.
Thiện Tâm