Thủ đô rực sáng cờ hoa, người dân hân hoan chào mừng 50 năm thống nhất đất nước
(Chinhphu.vn) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, hòa chung không khí cả nước hân hoan chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), người dân Hà Nội nô nức xuống phố rợp sắc cờ hoa, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp bên những di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô.
Niềm vui, niềm tự hào về những chiến công lừng lẫy năm châu của cha ông, về chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 của dân tộc đã lan tỏa khắp thế hệ người Việt Nam trên dải đất hình chữ S.
Tại Thủ đô Hà Nội, từ người già đến thế hệ trẻ đều hân hoan, háo hức hướng về miền Nam thân thương. Ai không có dịp và điều kiện vào Nam đã chọn cho mình những khoảnh khắc ý nghĩa, lưu giữ những hình ảnh đẹp với sắc áo đỏ sao vàng, cờ Tổ quốc trên tay để tri ân sâu sắc thế hệ đi trước đã dành độc lập tự do cho dân tộc, để cùng hòa minh trong ngày hội lớn của non sông.

Ngay từ sáng sớm, chị Hương Mai (quận Tây Hồ) đã đưa hai con nhỏ đến Lăng Bác. Giữa không gian trang nghiêm và sắc cờ rực rỡ, chị cẩn thận ghi lại từng khoảnh khắc. Với chị, mỗi bức ảnh hôm nay không chỉ là kỷ niệm mà còn giúp hình thành trong các bạn nhỏ tình yêu quê hương, đất nước.

Không chỉ Lăng Bác, Trụ sở Bộ Ngoại giao (số 1 Tôn Thất Đàm, Hà Nội) với kiến trúc đẹp, cổ kính cũng trở thành điểm dừng chân yêu thích của nhiều người dân Thủ đô và du khách để lưu lại những bức ảnh đẹp trong những ngày tháng Tư lịch sử.

Phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa, pano hòa chung không khí cả nước mừng đại lễ 30/4.

Gương mặt rạng ngời của người dân khi ghi lại khoảnh khắc ý nghĩa trong ngày đại lễ.

Trụ sở HĐND – UBND TP. Hà Nội những ngày này cũng rực rỡ sắc đỏ với nhiều pano, áp phích cổ động được trang hoàng nổi bật.

Một góc phố cổ Hà Nội trở nên sống động với màu sắc rực rỡ của pano trong ngày kỷ niệm trọng đại.

Trên các trục đường lớn như Tràng Tiền, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong… cờ hoa và áp phích cổ động được trang hoàng rực rỡ. (Hình ảnh trước Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Những dải băng rôn đỏ thắm, pano cổ động in hình cờ Tổ quốc và dòng chữ “50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” nổi bật giữa dòng xe xuôi ngược – như lời nhắc nhở sống động về một chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc

Em nhỏ trong bộ trang phục chú Lượm gắn cờ đỏ sao vàng.

Các bạn nhỏ trong trang phục bộ đội tay đặt nơi trái tim, tay nâng niu lá cờ đỏ sao vàng khiến ai ngang qua cũng phải mỉm cười xúc động.

Các bạn nhỏ trường mầm non Hello Kitty (Tây Hồ) mặc áo cờ đỏ sao vàng rực sáng cả một góc phố.

Ông Vũ Duy Cao, cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, hôm nay cùng vợ ra Hồ Gươm dạo bước và ngắm nhìn sắc cờ hoa rực rỡ.

"Dù đã qua bao nhiêu năm, nhưng mỗi lần nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, tôi vẫn cảm thấy tự hào và xúc động. Đây là cách tôi tri ân những người đồng đội đã hy sinh vì đất nước," ông Cao chia sẻ.

Trong những con ngõ nhỏ yên bình của Hà Nội, sắc đỏ từ những lá cờ sao vàng như bừng lên sức sống. Các bạn trẻ yêu thích không gian và không khí của những ngày tháng Tư lịch sử nơi đây.

“Mình thích nhất những con ngõ nhỏ của Hà Nội vào những dịp lễ như thế này. Cờ hoa treo đầy trên từng mái nhà cũ, nhìn thôi đã thấy lòng ấm áp. Cảm giác những khoảnh khắc này đã có từ rất lâu rồi và mình chỉ là người được tiếp nối, góp phần lưu giữ nó", bạn Hà Pu đến từ Nghệ An chia sẻ.

Bạn Mai Hoa đến từ Hải Dương cho hay: “Mình thích ra những ngõ nhỏ trong khu phố cổ với cờ hoa treo khắp nẻo, vì ở đó mình cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc. Những bức ảnh chụp ở đây không chỉ là kỷ niệm, mà là cách mình lưu giữ và tôn vinh lịch sử".

Bạn Đỗ Thị Vân Anh lại lựa chọn đến Bảo tàng Quân sự Việt Nam, vì bạn cho rằng đây là nơi không chỉ lưu giữ những hiện vật quý giá mà còn là nơi gợi lại những câu chuyện anh hùng của các thế hệ cha ông.

“Bảo tàng Quân sự Việt Nam không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật, mà là kho tàng lịch sử sống động. Mỗi lần tôi đứng trước những chiến công, những kỷ vật của những người lính, tôi lại cảm thấy mình nhỏ bé, nhưng cũng đầy tự hào về những gì cha ông đã hy sinh để chúng ta có được cuộc sống hòa bình hôm nay", Đỗ Thị Vân Anh xúc động chia sẻ.

Từ Bắc Giang, bạn Trần Diễm Quỳnh lựa chọn lưu lại bức ảnh tại làng hương Quảng Phú Cầu vào dịp 30/4, Quỳnh cho rằng những giá trị cội nguồn và sự vững vàng của những làng quê như Quảng Phú Cầu vẫn giữ gìn những nét văn hóa truyền thống qua bao thăng trầm của lịch sử là điều đáng trân quý và tự hào.

Con đường gốm sứ, với những bức tranh sống động vẽ nên câu chuyện về lịch sử và văn hóa đất nước, đã trở thành một địa điểm không thể bỏ qua trong những ngày lễ. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, đến đây để lưu giữ những bức ảnh không chỉ đẹp mà còn đầy ý nghĩa, như một cách để kết nối quá khứ và hiện tại của Thủ đô.

Chợ Đồng Xuân – trái tim của Hà Nội, luôn là điểm đến yêu thích của du khách và người dân trong dịp lễ. Nơi đây không chỉ là trung tâm mua sắm tấp nập mà còn là nơi ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt, khi các bạn trẻ đứng giữa những gian hàng rực rỡ sắc màu, với nụ cười tươi tắn và niềm tự hào về truyền thống Hà Nội.
Văn Hiền-Minh Thư (thực hiện)