Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Ngày 15/4, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi (ISAWAAS), Trung tâm Chứng nhận Halal Việt Nam cùng nhiều đối tác trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal trên địa bàn thành phố Hà Nội".

Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh VGP/Minh Anh
Sự kiện thu hút gần 150 đại biểu trong nước và quốc tế, đánh dấu bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Thủ đô hướng tới thị trường tiềm năng với hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn cầu.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS.Trịnh Thị Thu Hà - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội nhấn mạnh: "Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Với hơn 1,9 tỷ người, khoảng 30% dân số toàn cầu theo đạo Hồi, dự báo đến năm 2030, du lịch Halal sẽ đóng góp gần 350 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới".
Bà Thu Hà cũng chỉ ra rằng, mặc dù Hà Nội có nhiều tiềm năng văn hóa, lịch sử và ẩm thực phong phú, nhưng các sản phẩm và dịch vụ Halal của Thủ đô vẫn chưa phát triển đồng bộ, dẫn đến hạn chế trong việc thu hút nhóm du khách Hồi giáo. Vì vậy, để khai thác tiềm năng này, việc định hướng phát triển du lịch Halal không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường mà còn phù hợp với xu hướng của thế giới.

Ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam tham luận tại Hội thảo. Ảnh (BTC)
Tại Hội thảo, ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam đánh giá cao tiềm năng du lịch Halal của Việt Nam: "Việt Nam có tiềm năng lớn cho sự phát triển của du lịch Halal, đặc biệt là đối với các quốc gia Hồi giáo và ngày càng trở thành điểm đến thu hút với nhiều quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ... Halal không chỉ dành cho thực phẩm. Halal còn là các tiêu chuẩn cho hành vi, cách thức xử lý các sản phẩm thực phẩm. Và thậm chí ở nhiều nước châu Âu, đôi khi họ cũng tìm kiếm các tiêu chuẩn này vì họ biết rằng các tiêu chuẩn này đòi hỏi yêu cầu rất cao và chặt chẽ".
Đồng quan điểm, ông Kohdayar Marri, Đại sứ Pakistan tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi cảm thấy tiềm năng ở đây rất lớn và cả tiềm năng mà tôi chưa được khám phá hết khi tôi mới chỉ đi đến một số ít tỉnh thành và địa phương. Các bạn có thể mở rộng hoạt động thương mại du lịch của mình lên hàng trăm phần trăm chỉ bằng cách đáp ứng nhu cầu của những khách du lịch cụ thể, với nhu cầu hoặc một số tập quán nhất định".
Đại sứ Pakistan tại Việt Nam cũng chia sẻ trải nghiệm tích cực về sự hiểu biết và thái độ phục vụ của Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội: "Họ rất chu đáo và lịch sự. Họ rất hiểu biết về cộng đồng Hồi giáo và nhu cầu của cộng đồng Hồi giáo".
Tại Hội thảo, PGS.TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi đã cung cấp cái nhìn tổng quan về thị trường Halal toàn cầu với quy mô hơn 7.000 tỷ USD, dự kiến chạm mốc 10.000 tỷ USD vào năm 2028. PGS.TS Đinh Công Hoàng cũng nhấn mạnh vai trò của Hà Nội với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch, song cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế như thiếu cơ sở cầu nguyện, dịch vụ chưa đồng bộ và nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ thị trường Halal.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ quan điểm, Hà Nội có thể trở thành trung tâm du lịch hàng đầu trong khu vực về tiếp cận thị trường Halal bằng cách tận dụng hiệu quả tài nguyên sẵn có, nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế. Sở Du lịch Hà Nội cũng đang xây dựng lộ trình chiến lược để biến Thủ đô thành điểm đến thân thiện và hấp dẫn đối với du khách Hồi giáo.

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: VGP/Minh Anh
Theo kế hoạch đến năm 2030, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái du lịch Halal toàn diện, trong đó ưu tiên hình thành các "Halal Friendly Zones" - khu vực thân thiện với người Hồi giáo - tại các quận trung tâm. Thành phố cũng hướng tới việc nâng cao năng lực phục vụ trong ngành lưu trú và ẩm thực, với chỉ tiêu đến năm 2030 có ít nhất từ 10 đến 20 khách sạn đạt chuẩn phục vụ du khách Hồi giáo, đồng thời khoảng 30% nhà hàng tại khu vực trung tâm có khả năng cung cấp món ăn đạt tiêu chuẩn Halal.
Song song với phát triển cơ sở vật chất, Hà Nội cũng tăng cường triển khai các chương trình tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp trong ngành du lịch, phối hợp với các tổ chức quốc tế và các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành như Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi, hướng đến xây dựng đội ngũ nhân lực có năng lực phục vụ thị trường Halal đầy tiềm năng.
Cũng tại Hội thảo, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chính thức công bố thành lập Trung tâm Đào tạo Halal (Halal Training Center). Trung tâm sẽ triển khai các khóa học cơ bản và nâng cao về Halal, đồng thời giới thiệu chương trình đào tạo theo quy chuẩn quốc gia TCVN14230:2024 về du lịch thân thiện với người Hồi giáo - lần đầu tiên được áp dụng tại một cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam.

Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã ký kết biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước nhằm phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal.
Trong khuôn khổ sự kiện, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã ký kết Biên bản hợp tác chiến lược với nhiều đối tác trong và ngoài nước như: Hãng Hàng không Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ - Turkish Airlines Inc., Grand Pioneers Hạ Long Bay Cruise, Công ty Cổ phần Quản lý G7 Taxi và Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội nhằm hợp tác trong đào tạo, cung cấp cơ hội thực hành nghề, phát triển sản phẩm dịch vụ theo chuẩn Halal và đồng hành quảng bá du lịch Việt Nam ra thị trường Hồi giáo quốc tế.
Minh Anh