Xây dựng chính quyền gần dân, sát dân hơn
(Chinhphu.vn) - Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP. Hà Nội quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chuẩn có tính chất đặc thù của Thủ đô theo định hướng của Trung ương để tạo không gian phát triển, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân hơn, góp phần để Thủ đô phát triển bền vững.

Phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội luôn bám sát các chỉ đạo của Trung ương - Ảnh minh họa: VGP
Mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô
Đến nay, HĐND TP. Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về việc tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; UBND TP. Hà Nội đã hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã để gửi Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Hà Nội cũng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để trình HĐND Thành phố ban hành, đảm bảo thực hiện ngay sau khi kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện từ ngày 01/7/2025.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Hà Nội đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đã được xây dựng theo kế hoạch xuyên suốt thống nhất từ Thành phố đến cơ sở, nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ kịp thời lợi ích thiết thực của nhân dân.
Trong quá trình triển khai, Hà Nội đã bám sát tiêu chí, tiêu chuẩn, hướng dẫn của Trung ương và bám sát thực tế của địa phương, đó là TP. Hà Nội là Thủ đô, trái tim của đất nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; là nơi hội tụ hồn thiêng sông núi, nơi lưu giữ nhiều công trình văn hóa, lịch sử của dân tộc với nhiều đặc thù liên quan tới phương hướng phát triển của Thủ đô trong hiện tại và tương lai.
Theo Bí thư Thành ủy, những yếu tố đó đã được tính toán tỷ mỷ, kỹ lưỡng, khách quan, khoa học để đảm bảo đơn vị hành chính xã/phường sau khi được thành lập một mặt sẽ đạt được mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ tốt nhất cho người dân. Đồng thời cũng phải mở ra không gian phát triển mới và đảm bảo phục vụ tốt cho công tác quản lý, quản trị của chính quyền các cấp sau sắp xếp.
Phát huy hiệu quả của các khu vực trọng điểm, vùng động lực phát triển
Theo UBND TP. Hà Nội, trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội quán triệt các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chuẩn có tính chất đặc thù của Thủ đô theo định hướng của Trung ương với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Mục tiêu là đưa Hà Nội trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Trong tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Từ đó, Hà Nội đã đưa định hướng phát triển cụ thể, đó là định hướng phát triển đô thị thông minh, hiện đại, có bản sắc, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị phía Bắc và cả nước. Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; tập trung đầu tư các đô thị vệ tinh phía Bắc, phía Nam, phía Tây, phát triển trục sông Hồng, mô hình đô thị TOD tại các ga đường sắt. Bảo tồn, tái thiết đô thị khu vực phố cổ, phố cũ gắn với khai thác giá trị công trình kiến trúc ở khu vực này.
Định hướng không gian quản lý, phát triển khu vực Trung tâm Chính trị hành chính Quốc gia như khu vực Ba Đình; các khu vực định hướng đặt trụ sở các bộ, ban, ngành Trung ương, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế... Định hướng về bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, truyền thống, văn hóa tiêu biểu của Thủ đô như Hoàng Thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám, Thành cổ Cổ Loa - Sơn Tây, Hồ Gươm, Hồ Tây, các di tích tiêu biểu của 36 phố phường Hà Nội...
Hà Nội cũng định hướng về quản lý, phát triển, khai thác các giá trị của danh thắng quốc gia, du lịch tâm linh Chùa Hương, Làng cổ Đường Lâm, đền thờ Hai Bà Trưng,.... Các hồ cảnh quan để phát triển dịch vụ du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng như khu vực Sơn Tây, Ba Vì, hồ Quan Sơn... Định hướng về phát triển các làng nghề truyền thống tiêu biểu như Bát Tràng (Gia Lâm), Vạn Phúc (Hà Đông), Khai Thái (Phú Xuyên), Quất Động (Thường Tín)...
Bên cạnh đó, định hướng phát triển 5 trung tâm Logistics đầu mối: Bắc Hà Nội (Gần sân bay Nội Bài); Nam Hà Nội (ga Ngọc Hồi); ICD Gia Lâm; Đường thủy Giang Biên – Long Biên; Cảng hàng không phía Nam
Phát triển khu công nghệ cao và đổi mới sáng tạo: Khu công nghệ cao Hòa Lạc; Công nghệ cao sinh học (Bắc Từ Liêm); Khu công nghệ cao tập trung (Long Biên); khu Tây Hồ Tây. Phát triển các khu công nghiệp lớn, các cụm công nghiệp, làng nghề như Khu công nghiệp Thăng Long; Khu công nghiệp Quang Minh; Khu công nghiệp Thạch Thất; Khu công nghiệp Phú Nghĩa; Khu công nghiệp Nam Hà Nội và 54 cụm công nghiệp tiềm năng.
Trong quá trình sắp xếp, Hà Nội cũng đặt yêu cầu bảo đảm tính liền mạch, không chia cắt trong quản lý, trong sự đồng bộ, liên thông của hệ thống kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả của các khu vực trọng điểm, vùng động lực phát triển.
Các khu vực là trục, động lực phát triển; yếu tố đặc thù, đặc biệt cần được tổ chức nằm trọn trong phạm vi một đơn vị hành chính cơ sở mới để đảm bảo quản lý hiệu quả, sát dân, gần dân, nhưng đồng thời giữ được không gian phát triển dài hạn, đóng vai trò là các cực tăng trưởng, đầu tàu dẫn dắt sự phát triển của các khu vực lân cận và vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo UBND TP. Hà Nội, việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao được hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước chi cho việc bảo đảm hoạt động của bộ máy quản lý.
Đồng thời, tinh gọn số lượng đơn vị hành chính mà còn mang lại hiệu quả quản lý nhà nước, tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực tài chính, phân bổ ngân sách hợp lý hơn cho an sinh xã hội, thực hiện hiệu quả các hoạt động thiết yếu phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và của Nhân dân địa phương.
Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp Hà Nội thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Gia Huy