Điều động cán bộ giữa các địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

14/05/2025 8:43 AM

(Chinhphu.vn) - Khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, TP. Hà Nội sẽ điều động cán bộ giữa các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để bảo đảm tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn Thành phố.

Điều động cán bộ giữa các địa phương khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã- Ảnh 1.

Hà Nội sẽ bảo đảm tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã - Ảnh minh họa

Bố trí bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương

Về nội dung trong Hướng dẫn số 09-HD/TU ngày 9/5/2025 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thực hiện chủ trương của Trung ương, từ ngày 1/7/2025 sẽ kết thúc hoạt động cấp huyện. Chính quyền địa phương của Hà Nội gồm cấp Thành phố và cấp xã, phường.

Thành phố sẽ tổ chức lại đội ngũ cán bộ phải gắn liền với mô hình tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo và trách nhiệm giải trình ở cấp cơ sở.

Thành ủy xác định việc sắp xếp, bố trí phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng đối với công tác cán bộ; lấy chất lượng đội ngũ cán bộ là yếu tố then chốt bảo đảm cho việc vận hành hiệu quả mô hình chính quyền 2 cấp, gần dân, sát dân, phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7/2025, bảo đảm tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ xã, phường mới được xem xét trên cơ sở tổng thể thực trạng đội ngũ cán bộ, gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội.

Thành phố sẽ lấy cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay làm nòng cốt tại các xã, phường mới và thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương (đẩy mạnh ở các chức danh khác).

Thành phố cũng sẽ điều động cán bộ giữa các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn thành phố.

Nguyên tắc này còn bao gồm việc tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ từ thành phố về cơ sở và ngược lại (chủ động sắp xếp đội ngũ cán bộ sở, ban, ngành thành phố theo Nghị định số 45/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 của Chính phủ), nhất là các Thành ủy viên, quy hoạch Thành ủy viên tại các địa bàn trọng điểm.

Gắn việc bố trí, sắp xếp cán bộ với việc rà soát, đánh giá toàn diện để sàng lọc, lựa chọn, nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo nguồn quy hoạch, đào tạo cán bộ trẻ, "đưa đúng người vào đúng việc"; tránh khuynh hướng dàn trải, hình thức, nể nang, cục bộ địa phương, "lợi ích nhóm trong đánh giá, sắp xếp, bố trí cán bộ".

Thành ủy yêu cầu người đứng đầu cấp ủy cùng ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Thành ủy về chất lượng công tác chuẩn bị, dự kiến, đề xuất phương án bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở xã, phường mới.

Về độ tuổi, Thành ủy Hà Nội hướng dẫn, những đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, chính quyền, MTTQ (gồm các tổ chức chính trị - xã hội), lần đầu chỉ định, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý cao hơn phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức Đại hội.

Những đồng chí được giới thiệu tái cử cấp ủy phải còn thời gian công tác ít nhất từ 48 tháng trở lên tại thời điểm bắt đầu tổ chức Đại hội. Thời điểm bắt đầu tổ chức Đại hội Đảng bộ các xã, phường tính là tháng 7/2025.

Xây dựng đề án về chính sách với đối tượng bị tác động bởi việc sắp xếp

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải cũng cho biết, Hướng dẫn số 09-HD/TU nêu chi tiết các định hướng xem xét, lựa chọn bố trí cán bộ xã, phường mới.

Đối với nguồn cán bộ ở quận, huyện, thị xã hiện nay, cán bộ được giới thiệu vào các chức danh phải cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đang giữ chức vụ hoặc được quy hoạch chức danh tương đương.

Về bố trí làm bí thư cấp ủy, Thành ủy Hà Nội hướng dẫn lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các Thành ủy viên, các bí thư cấp huyện; các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện. Sau các trường hợp ưu tiên trên mới xem xét đến các cán bộ ủy viên cấp huyện; trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã. Những cán bộ này phải có thành tích tiêu biểu, có năng lực nổi trội, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Đối với bố trí làm phó bí thư cấp ủy, Thành phố sẽ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; các ủy viên cấp huyện, trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện, bí thư cấp xã.

Đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND), trường hợp dư cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lập danh sách đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội điều phối chung toàn TP. Trường hợp thiếu nguồn cán bộ thì có thể đề xuất nhân sự khác cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực nổi trội, thành tích xuất sắc hoặc đề nghị bổ sung cán bộ từ nơi khác để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, quyết định.

Ngoài nguồn cán bộ ở quận, huyện thị xã hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét, luân chuyển, điều động tăng cường cán bộ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đang công tác tại các sở, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố về cơ sở.

Thành ủy sẽ bố trí làm bí thư cấp ủy, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Cấp trưởng sở, ngành TP và tương đương; cán bộ trong quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025 - 2030. Sau đó, TP sẽ ưu tiên cấp phó sở, ban, ngành TP và tương đương có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển, trong quy hoạch cấp trưởng, sở, ban, ngành TP và tương đương.

Thành phố sẽ lựa chọn một số cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, tiêu biểu, có tư duy đổi mới, đột phá, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bố trí về các đơn vị hành chính (xã mới) trọng điểm…

Về nội dung này Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết, bên cạnh sự quan tâm cua Trung ương về chế độ chính sách cho các đối tượng, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng đề án về cơ chế, chính sách đối với các đối tượng bị tác động bởi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Đề án sẽ có nhiều nội dung như: Chế độ chính sách về tìm kiếm việc làm, đào tạo và đào tạo lại, bố trí công việc phù hợp với quy định cho phép, với quan điểm không để ai không được quan tâm. Đây là trách nhiệm chung của Thành phố và từng quận, huyện, thị xã và 126 xã, phường sắp tới,

Song song với đó, Hà Nội sẽ tiếp tục đi đầu cả nước về phân cấp, ủy quyền từ Thành phố đến quận, huyện. Theo chủ trương của Thành phố, sau khi hình thành đơn vi hành cấp xã mới, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Gia Huy

Top