Quyết liệt xử lý vi phạm đất đai và môi trường: Bảo đảm kỷ cương đô thị trong giai đoạn sắp xếp hành chính

05/05/2025 5:51 PM

(Chinhphu.vn) - Việc các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng và môi trường trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ là một chiến dịch mang tính thời điểm mà còn là bước đi quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý đô thị.

Chủ động "ra quân" dịp lễ – Không để vi phạm có cơ hội phát sinh

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 hàng năm là thời điểm người dân di chuyển đông. Đây cũng là giai đoạn dễ phát sinh các vi phạm về trật tự xây dựng, lấn chiếm đất công và môi trường. Tuy nhiên, năm 2025, các quận huyện của TP. Hà Nội đã chủ động "kích hoạt" các tổ kiểm tra liên ngành, tăng cường giám sát địa bàn, đặc biệt tại các khu vực ven đô, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng không phép.

Quyết liệt xử lý vi phạm đất đai và môi trường: Bảo đảm kỷ cương đô thị trong giai đoạn sắp xếp hành chính- Ảnh 1.

Các địa phương tăng cường công tác quản lý đất đai, môi trường, đặc biệt tại các khu vực ven đô, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai và xây dựng không phép. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Tại quận Hà Đông, UBND quận đã chỉ đạo các phường huy động tối đa lực lượng thanh tra xây dựng, cảnh sát khu vực, công an phường... để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Nhiều trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất chưa chuyển đổi mục đích đã bị xử lý triệt để, cưỡng chế tháo dỡ theo đúng quy trình pháp luật.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức – địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh – các xã như Đông La, An Thượng, Vân Côn đã tiến hành rà soát kỹ càng, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm tồn tại trong thời gian dài, đặc biệt tại các khu vực đất dịch vụ, đất đấu giá. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Trường đã trực tiếp thị sát hiện trường, yêu cầu lãnh đạo xã chịu trách nhiệm toàn diện nếu để tái vi phạm hoặc phát sinh công trình trái phép trong dịp lễ.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng yêu cầu các xã tăng cường công tác kiểm tra rà soát, xử lý kịp thời không để phát sinh các trường hợp vi phạm đất đai, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tập trung thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn để tránh lãng phí và tránh để xảy ra tình trạng buông lỏng trong quản lý đất đai.

Hành động quyết liệt trong giai đoạn sáp nhập hành chính

Hiện nay, Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, phường theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Trung ương. Đây là giai đoạn dễ xảy ra "khoảng trống quản lý", đặc biệt tại các khu vực chuẩn bị sáp nhập hoặc đang chuyển giao bộ máy tổ chức. Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố đã dự báo và hành động từ rất sớm.

Trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang khẩn trương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính, không một hội nghị, cuộc họp nào của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp lại không không nhấn mạnh đến việc siết chặt công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Điển hình, tại Hội nghị giao ban quý I/2025 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã diễn ra mới đây, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã nhấn mạnh, thành phố yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện, thị xã phải thể hiện trách nhiệm cao nhất, không để xảy ra tình trạng "tranh tối tranh sáng" hay khoảng trống trong quản lý.

Tiếp đó, ngày 22/4/2025, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện số 04/CĐ-UBND yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn thành phố.

Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh; xử lý triệt để ngay từ đầu các trường hợp vi phạm.

Cũng tại Hội nghị giao ban quý I/2025, ông Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh: "Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là cơ hội để tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng và số hóa tài liệu, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước".

Chỉ đạo xử lý nghiêm vi phạm đất đai trong giai đoạn sáp nhập, trong Công văn số 1601/UBND-ĐT ngày 21/4/2025, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu: Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm từ khi mới manh nha.

Theo số liệu thống kê, thành phố Hà Nội đang xử lý hơn 300 trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng và môi trường tồn tại nhiều năm, trong đó có không ít trường hợp phát sinh trong thời điểm giao thoa quyền lực khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính. Điều đáng nói là các vi phạm này không thể "tự nhiên" tồn tại nếu không có sự tiếp tay hoặc buông lỏng trách nhiệm của một bộ phận cán bộ địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP. Hà Nội, nhiều địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội đã quán triệt quan điểm sẽ truy trách nhiệm lãnh đạo địa phương nếu buông lỏng quản lý hoặc thiếu kiên quyết trong công tác xử lý vị phạm đất đai, xây dựng.

Tại huyện Ba Vì, ông Trần Quang Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh sự quan trọng của việc việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong bối cảnh huyện đang tiến hành sắp xếp lại bộ máy hành chính theo chỉ đạo của Trung ương; đồng thời, cần phải chủ động và kiên quyết trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm, không để phát sinh điểm nóng vi phạm.

Lãnh đạo huyện Ba Vì yêu cầu các xã, thị trấn cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới. Những đơn vị nào buông lỏng quản lý hoặc xử lý thiếu kiên quyết sẽ bị xem xét trách nhiệm.

Bên cạnh đó, UBND huyện Ba Vì cũng đề nghị Đội Thanh tra trật tự xây dựng tăng cường giám sát, phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời các vi phạm có dấu hiệu trục lợi. Thậm chí, huyện này còn đề nghị Công an thành phố Hà Nội chỉ đạo công an xã phối hợp chặt chẽ, đảm bảo công tác quản lý trật tự xây dựng tại các địa phương được thực hiện hiệu quả và triệt để.

Theo báo cáo của huyện Ba Vì, từ năm 2019 đến nay, huyện đã phát hiện 409 trường hợp vi phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng. Trong đó, 341 trường hợp đã được xử lý, 22 trường hợp vi phạm ở Trường bắn Đồng Doi (xã Yên Bài) được chuyển hướng sang theo dõi, xử lý theo vi phạm trong giải phóng mặt bằng các dự án.

"Nóng" nhất trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 trên địa bàn thành phố là ngày 29/4, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác điều hành hoạt động UBND đối với Chủ tịch UBND thị trấn Phú Xuyên Lê Văn Thuấn và Chủ tịch UBND xã Hồng Thái Lê Văn Ấm để tập trung chỉ đạo, tổ chức khắc phục, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng tại địa phương. Đây là động thái quyết liệt của lãnh đạo huyện Phú Xuyên trước thực trạng một số địa phương để xảy ra tình trạng né tránh, nể nang, dẫn tới phát sinh vi phạm.

Siết chặt công tác quy hoạch, kiểm tra từ gốc

Để ngăn chặn vi phạm, siết chặt công tác quản lý đất đai, môi trường, một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua là công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tại cơ sở. Từ đầu năm 2025, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã phối hợp với các địa phương số hóa bản đồ địa chính, gắn mã định danh từng thửa đất nhằm tăng tính minh bạch và dễ dàng truy xuất thông tin. Bên cạnh đó, thành phố cũng ứng dụng công nghệ thông tin như phần mềm iHanoi, tiếp nhận phản ánh từ người dân và phản hồi nhanh trong vòng 72 giờ.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn – như quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, công an, thanh tra xây dựng – cũng được kiện toàn theo mô hình "tổ công tác liên ngành". Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" vốn tồn tại khá phổ biến tại cấp xã, phường.

Để không còn khoảng trống trong công tác quản lý đất đai, theo các chuyên gia điều tiên quyết vẫn là các cấp, các ngành phải siết chặt việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc phải dựa trên "thước đo" cụ thể về những phần việc các cán bộ, công chức được giao phải hoàn thành. Người nào để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực mình phụ trách thì phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả đến cùng.

Dự kiến vị trí việc làm của nhiều cán bộ, công chức, người lao động sẽ thay đổi, xáo trộn sau thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính nên sẽ có người thực hiện nhiệm vụ theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", thậm chí cố tình "bật đèn xanh" cho vi phạm có cơ hội tiếp diễn... Vì thế, việc kiểm tra, giám sát với người được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng phải chặt chẽ hơn, thường xuyên hơn; cần ấn định thời gian báo cáo tình hình vi phạm theo từng ngày nhằm ràng buộc trách nhiệm xử lý. Đặc biệt, phải có sự giám sát chéo trong cùng đơn vị để kịp thời phát hiện các dấu hiệu "bảo kê", tiếp tay vi phạm...

Thực tiễn hiện nay ở không ít địa phương, những cán bộ kế nhiệm thường phải mất rất nhiều công sức, thời gian để giải quyết "hậu quả" vi phạm đất đai, trật tự xây dựng của cán bộ tiền nhiệm để lại. Đây là nỗi bức xúc không dễ tỏ bày.

Để không lặp lại tình trạng này, cần phải giải quyết kịp thời, triệt để mọi vi phạm ngay thời điểm phát sinh là yêu cầu cấp thiết. Vì thế, mỗi cán bộ, công chức, người lao động phải phát huy tinh thần trách nhiệm, giữ phẩm chất liêm chính, đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân...

Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, một điểm sáng quan trọng khác trong công tác xử lý vi phạm hiện nay chính là sự tham gia tích cực của người dân. Nhiều người dân đã chủ động báo tin về các hành vi san lấp trái phép, đổ trộm rác thải xây dựng hoặc xây dựng trên đất nông nghiệp. Một số khu dân cư còn thành lập các tổ giám sát cộng đồng, kịp thời phát hiện và phản ánh vi phạm với chính quyền.

Bà Phan Thị Dung, người dân xã An Thượng (Hoài Đức) chia sẻ: "Trước đây, thấy người ta san đất, xây nhà trên ruộng tôi cũng ngại góp ý vì sợ va chạm. Nhưng giờ tôi biết rõ đó là hành vi vi phạm pháp luật và ảnh hưởng đến cộng đồng, nên tôi sẵn sàng báo chính quyền".

Ngoài ra, vai trò tuyên truyền của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở cũng rất đáng ghi nhận. Thông qua các buổi sinh hoạt tổ dân phố, phát tờ rơi, truyền thanh xã... người dân dần hiểu và tự giác hơn trong việc chấp hành các quy định về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Không dừng lại ở những chiến dịch ngắn hạn, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch tổng thể về quản lý đất đai, xây dựng và môi trường trong giai đoạn 2025–2030. Theo đó, mỗi quận, huyện sẽ có "bản đồ vi phạm" cập nhật theo thời gian thực; các trường hợp vi phạm mới sẽ bị công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử, từ đó tạo sức ép dư luận và sự minh bạch.

Việc các địa phương trên địa bàn TP. Hà Nội quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng và môi trường trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính là bước chuyển tích cực trong tư duy quản trị đô thị. Sự vào cuộc quyết liệt từ chính quyền, sự giám sát của người dân và sự đồng thuận của toàn xã hội chính là nền tảng để Hà Nội phát triển bền vững, văn minh và kỷ cương.

Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn thu hút đầu tư, nâng cao uy tín của thành phố trong mắt bạn bè quốc tế. Sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền các cấp, các ngành và đặc biệt là ý thức tự giác của cộng đồng chính là chìa khóa giúp Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

Trong những năm tới, với mục tiêu phát triển toàn diện và bảo vệ môi trường, Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, và bảo vệ môi trường. Các biện pháp đồng bộ được thực hiện quyết liệt sẽ tiếp tục phát triển Hà Nội thành một Thủ đô hiện đại, văn minh và hội nhập với thế giới.

Thùy Chi

Top