Ưu tiên phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm trong Luật Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Hà Nội dự kiến phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, đô thị vệ tinh. Đồng thời xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô với điều kiện đặc thù về mô hình quản trị, thể chế để trở thành khu vực động lực phát triển.
Hệ thống đô thị của Thủ đô gồm chùm đô thị đa cực, đa trung tâm
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 (Quy hoạch 1259) xác định cấu trúc đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn. Tuy nhiên, sau hơn 13 năm, tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh còn chậm.

Một góc Thủ đô Hà Nội.
Trong Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, mô hình cấu trúc phát triển của Quy hoạch 1259 vẫn được kế thừa. Hệ thống đô thị của Thủ đô gồm chùm đô thị đa cực, đa trung tâm. Trong đó, đô thị trung tâm gồm đô thị phía Nam, đô thị phía Đông sông Hồng; bên cạnh đó là đô thị thành phố phía Bắc; đô thị thành phố phía Tây; đô thị vệ tinh Sơn Tây; đô thị vệ tinh Phú Xuyên; 3 thị trấn sinh thái và 7 huyện lỵ. Về dự kiến khu vực phát triển đô thị, toàn bộ thành phố Hà Nội là đô thị đặc biệt, trong đó khu vực thành phố phía Bắc, thành phố phía Tây là đô thị loại 1; đô thị Sơn Tây là đô thị loại 2; đô thị Phú Xuyên là đô thị loại 3. Các thị trấn là đô thị loại 4 và 5.
Đô thị trung tâm tiếp tục phát triển về phía Tây và phía Nam. Khu vực đô thị phía Đông gồm quận Long Biên, huyện Gia Lâm. Khu vực đô thị phía Bắc gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Khu vực đô thị phía Tây với trọng tâm là đô thị Hòa Lạc và khu vực đô thị phía Nam có trọng tâm là đô thị Phú Xuyên.
Theo chức năng của từng vùng đô thị, đô thị trung tâm, từ vành đai sông Đáy đến khu vực phía Nam sông Hồng, có chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, lịch sử, dịch vụ. Diện tích khoảng 133km2, dân số đến năm 2045 khoảng 2,81 triệu người.
Với đô thị phía Đông, toàn bộ huyện Gia Lâm được quy hoạch thành khu vực phát triển đô thị. Diện tích tự nhiên của đô thị phía Đông là 176km2, dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 triệu người. Với đô thị phía Bắc, dự kiến trước mắt, huyện Đông Anh được nâng cấp thành quận. Khi bảo đảm các điều kiện phát triển, thành phố phía Bắc sẽ được thành lập. Khu vực này có diện tích tự nhiên hơn 632km2, dân số đến năm 2030 khoảng 1,96 triệu người, đến năm 2045 khoảng 2,7-2,9 triệu người. Thành phố phía Tây gồm đô thị Hòa Lạc và Xuân Mai sáp nhập lại. Trong bản vẽ hiện nay mới xác định khu vực nội thành, phần ngoại thị sẽ được xác định trong giai đoạn thành lập thành phố.
Đô thị Sơn Tây, gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Sơn Tây, dự kiến sẽ nâng cấp thành thành phố trong giai đoạn sau năm 2030. Đây là khu vực có tính chất giáo dục, đào tạo, y tế, công nghệ cao và kết nối với khu vực đô thị trung tâm bằng trục đường Láng - Hòa Lạc và tuyến đường sắt đô thị số 8. Khu vực đô thị phía Nam gồm các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức. Trong đó, huyện Thường Tín nằm trong đô thị trung tâm, Phú Xuyên dự kiến hình thành đô thị loại 3, hỗ trợ cho sân bay phía Nam Hà Nội. Khu vực này có diện tích tự nhiên khoảng 303km2, dân số khoảng 1,6 triệu người, có chức năng dịch vụ logistics, thương mại và công nghiệp hỗ trợ.
Trao đổi với báo chí, đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, các trục được định hướng nghiên cứu là trục sông Hồng; trục Hồ Tây - Ba Vì; trục Nhật Tân - Nội Bài; trục không gian Hồ Tây - Cổ Loa và trục liên kết phía Nam. Trong đó, trục sông Hồng sẽ khai thác cảnh quan, bảo đảm phát triển đô thị hai bên sông. Thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm một số cầu kết nối đô thị trung tâm với khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm, Đông Anh. Trục Nhật Tân - Nội Bài kết nối lên khu vực sân bay Nội Bài, đi qua huyện Đông Anh, sẽ tập trung phát triển trung tâm tài chính - kinh tế, tạo động lực cho huyện Đông Anh - sau này sẽ là hạt nhân thành phố phía Bắc.
Trục Hồ Tây - Cổ Loa là trục không gian tiếp nối từ phía Cổ Loa với Hồ Tây, tạo thành trục cảnh quan quan trọng liên kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong khi đó, trục Hồ Tây - Ba Vì là trục văn hóa, cơ bản giữ nguyên định hướng từ Quy hoạch 1259, nhưng tại các đoạn Hồ Tây - quốc lộ 32, quốc lộ 32 - Vành đai 4 được nghiên cứu điều chỉnh quy mô mặt cắt và hướng tuyến để phù hợp với thực tiễn. Đoạn Vành đai 4 - Ba Vì sẽ tiếp tục triển khai với các định hướng mới, để kết nối đô thị trung tâm với thành phố phía Tây; kết hợp nghiên cứu thêm các điểm TOD (phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm).
Trục phía Nam là trục xanh, kết nối đô thị Nam sông Hồng với khu vực phía Nam, liên kết với sân bay thứ hai của thành phố và quần thể di tích Quan Sơn - Hương Sơn, tạo nhiều không gian mở, không gian công cộng.
Bảo đảm hài hòa quá trình đô thị hóa, đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn
Bên cạnh việc phát triển không gian đô thị theo mô hình đô thị trung tâm trong Luật Thủ đô năm 2024, không gian nông thôn của Hà Nội cũng được tính toán đầu tư nguồn lực tương xứng. Qua đó, giúp bảo đảm hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và bền vững.
Đất nông nghiệp hiện vẫn chiếm tới 70% tổng diện tích đất tự nhiên của Hà Nội; dân số nông thôn chiếm đến 1/2 tổng dân số. Chính vì vậy, dù đô thị hóa, công nghiệp hóa của Hà Nội đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, nhưng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như thế nào để vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, vừa gìn giữ, bảo tồn và phát huy được các nét văn hóa truyền thống, hiện đại là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Theo đó, để khu vực nông thôn được đầu tư nguồn lực tương xứng, bảo đảm hài hòa với quá trình đô thị hóa, Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm mới. Đặc biệt phải kể tới là, lần đầu tiên vấn đề nông nghiệp, nông thôn được Quốc hội đề cập thành một điều riêng (Điều 32).
Các điểm nhấn đáng lưu ý, đó là luật phân quyền mạnh mẽ cho thành phố quy định các biện pháp đặc thù về sử dụng đất nông nghiệp. Trong vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Hà Nội được bố trí đất nông nghiệp sử dụng vào việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giáo dục trải nghiệm, du lịch sinh thái (khoản 1 Điều 32).
Liên quan đến việc Hà Nội trong giai đoạn 2021-2030 sẽ phát triển 7 làng nghề kết hợp với du lịch; hạn chế phát triển hoặc chuyển hướng nghề mới, di dời vào cụm công nghiệp 6 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; xử lý ô nhiễm môi trường 20 làng nghề; nâng cấp cơ sở hạ tầng 20 làng nghề…, Luật Thủ đô năm 2024 nêu các biện pháp hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư, cơ sở sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề ở nông thôn (điểm c khoản 2 Điều 28).
Theo hướng đi này, thành phố Hà Nội có trách nhiệm xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường của các làng nghề; khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn bằng các công nghệ giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tổ chức di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư ở nông thôn. Đích đến là bảo đảm khả năng thi hành của định hướng phát triển làng nghề của Thủ đô Hà Nội một cách bền vững và bảo đảm sức khỏe, hạn chế ô nhiễm trong các khu dân cư ở nông thôn.
Để Luật Thủ đô năm 2024 sớm đi vào đời sống, Hà Nội đã ban hành danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chỉ tiêu cụ thể được đặt ra, đến hết năm 2025, 100% làng nghề đã được công nhận được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; phấn đấu 100% làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường.
Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.
Đối với 48 làng nghề ô nhiễm cần xử lý nhằm duy trì, bảo tồn và phát triển, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã bố trí quỹ đất để hình thành các khu vực sản xuất tập trung, di dời cơ sở hoặc công đoạn sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực làng nghề.
Song song với việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường, nhiều chuyên gia đánh giá, Luật Thủ đô năm 2024 mang đến cho Hà Nội cơ chế, chính sách đặc thù, đó là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây hiển nhiên là cơ chế có thể giúp thành phố Hà Nội tạo được bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn và phát triển đô thị.
Thùy Chi