Đổi mới mô hình quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Sau 7 năm thực hiện, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng, hạn chế các vi phạm và xây dựng một nền quản lý đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.
Nhiều địa phương không phát sinh công trình vi phạm trật tự xây dựng
Từ năm 2018, Hà Nội triển khai thí điểm mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã theo Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 7 năm thực hiện, mô hình này đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi triển khai thực hiện mô hình thí điểm này, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng kết công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng những năm gần đây của Thanh tra Sở Xây dựng cho thấy, những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, gây bức xúc dư luận đã dần được hạn chế.

Tổng kết công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng những năm gần đây của Thanh tra Sở Xây dựng cho thấy, những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, gây bức xúc dư luận đã dần được hạn chế.Ảnh minh họa
Theo báo cáo mới nhất, trong năm 2024, trên địa bàn thành phố, một số địa phương không phát sinh công trình vi phạm trật tự xây dựng như quận Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây, hoặc có tỉ lệ công trình vi phạm thấp (dưới 1%) như các quận Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Tây Hồ, Hoàng Mai; các huyện Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Thường Tín. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2023, tổng số công trình xây dựng năm 2024 tăng 7.061 công trình, nhưng tỉ lệ công trình vi phạm giảm.
Mô hình này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thống nhất chỉ đạo và điều hành công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện. Nhờ xác định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp, nguyên tắc "5 rõ" (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả) đã được triển khai đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, né tránh trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Tổ chức bộ máy chưa ổn định do chưa có quy định pháp lý cụ thể. Các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị hiện không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có chức năng lập hồ sơ và đề xuất xử lý, làm giảm tính kịp thời và hiệu quả của công tác xử lý vi phạm. Cùng với đó, nhân lực còn thiếu, trình độ chưa đồng đều và chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe.
Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cần được "danh chính ngôn thuận"
Sau ngày 30/6 tới, khi Hà Nội hoàn tất việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện (cũ) cũng sẽ kết thúc hoạt động sau 7 năm thực hiện thí điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh địa giới hành chính thay đổi, mô hình này cần được bố trí, tổ chức lại để tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Ông Võ Nguyên Phong, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (nay là Giám đốc Sở Công Thương) cho biết, những năm gần đây, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện đã phát huy nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố luôn tiềm ẩn những nguy cơ vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt liên quan đến các công trình nhiều hộ, nhiều tầng. Do đó, mô hình này cần sớm có sự tổng kết và điều chỉnh để tiếp tục phát huy vai trò hơn nữa.
Trong giai đoạn từ nay cho đến khi hoàn tất việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, thành phố đã ban hành chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Cùng với đó, các cấp chính quyền tiếp tục quản lý, duy trì hoạt động hiệu quả Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND cấp huyện theo mô hình thí điểm cho đến khi có quyết định chính thức.
Đồng thời, các cấp chính quyền cũng chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật, trước Thành ủy, UBND Thành phố về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý. Có thể thấy công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn toàn thành phố được bảo đảm duy trì, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong mọi thời điểm, giai đoạn, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng thời điểm chuyển đổi để cố tình vi phạm.
Khi địa giới hành chính của đơn vị cấp xã được mở rộng, dân số tăng lên, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn mới dự báo cũng sẽ phát sinh nhiều phức tạp. Thực tế này đặt ra nhiều đòi hỏi cao hơn với cách thức tổ chức tới đây của đội ngũ cán bộ quản lý trật tự xây dựng đô thị ở cấp xã. Trên tinh thần đó, mô hình cơ quan quản lý trật tự xây dựng đô thị được chuyển đổi cũng được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những tồn tại, khó khăn để hoàn thành tốt hơn nữa chức năng nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng cao, nhu cầu về đất đai, nhà ở của người dân Thủ đô cũng như tại quận Hoàng Mai ngày càng lớn. Đối với vi phạm trật tự xây dựng, từ năm 2020 đến nay, quận Hoàng Mai đã xử lý 119 vụ việc; ngăn chặn, xử lý trên 800 trường hợp vi phạm đất đai với diện tích trên 30 héc ta; kiểm điểm trách nhiệm 14 tập thể, 43 cá nhân để xảy ra vi phạm. Quận đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên và đột xuất, tập trung vào các địa bàn "nóng", kiên quyết không để các vi phạm mới phát sinh.
Từ nay đến hết ngày 30/6, trên địa bàn quận còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng, giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất cho người dân. Vì vậy, UBND quận tập trung chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra, giám sát, duy trì việc báo cáo hằng ngày và kịp thời kiểm tra, xử lý vi phạm phát sinh (nếu có).
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau thời gian thực hiện thí điểm kéo dài tới 7 năm, đã đến lúc Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị cần được "danh chính ngôn thuận" và được trang bị chế tài mạnh hơn nữa. Với địa bàn huyện thuần nông, có diện tích rộng, số lượng đơn vị hành chính đông như Chương Mỹ, biên chế bộ phận quản lý trật tự xây dựng được giao là 21 người nhưng thực tế đang bố trí là 16 người, khiến hoạt động gặp nhiều khó khăn. Do đó, huyện đã nhiều lần đề nghị được tăng biên chế của lực lượng này.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, để nâng cao hiệu quả mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, cần thiết lập bộ phận chuyên trách tại cấp xã với sự phân cấp và thẩm quyền rõ ràng.
Công cụ quản lý đô thị đắc lực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu
Để nâng cao hiệu quả mô hình và phát huy hiệu quả bền vững, các chuyên gia cho rằng Hà Nội cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, sớm hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, quy định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy. Điều này không chỉ giúp ổn định tổ chức mà còn tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động thực tiễn.
Thứ hai, tăng cường thẩm quyền xử lý vi phạm cho các Đội, đặc biệt là trong việc xử phạt hành chính. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm giữa các cấp, từ phường, xã đến quận, huyện và thành phố để bảo đảm sự phối hợp hiệu quả.
Thứ ba, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ thông qua các lớp đào tạo chuyên sâu, cập nhật quy định pháp luật, kỹ năng xử lý tình huống. Song song với đó là chính sách đãi ngộ để giữ chân cán bộ có năng lực và tâm huyết.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, dùng chung toàn thành phố sẽ giúp đồng bộ thông tin, rút ngắn thời gian xử lý và tăng tính minh bạch.
Cuối cùng, cần tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Việc tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân sẽ góp phần phòng ngừa vi phạm từ gốc, hướng tới xây dựng đô thị Hà Nội hiện đại, phát triển bền vững.
Sau 7 năm triển khai thí điểm, mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội đã chứng minh tính khả thi và hiệu quả. Tuy nhiên, để phù hợp với yêu cầu phát triển mới, mô hình cần được thể chế hóa, củng cố nguồn lực và điều chỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch hơn. Khi đó, mô hình sẽ là công cụ quản lý đô thị đắc lực, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, kỷ cương và phát triển bền vững.
Thùy Chi